Hội thảo tham vấn ý kiến về đề xuất sửa đổi nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chiều 4/11, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
Tham dự có lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; hơn 100 DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tô Vũ Ninh đồng chủ trì.
Hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và hướng dẫn tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ. Chính sách này nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực, kỹ năng thực hiện pháp luật cho đội ngũ quản lý, pháp chế của cộng đồng DN nhỏ và vừa, từ đó giúp các DN phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP và kết quả tổ chức các hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, một số quy định của Nghị định 55 bộc lộ bất cập, hạn chế khiến các DN, tổ chức đại diện của DN còn khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 2.000 DN vừa và nhỏ, tập trung 17 ngành nghề. Hằng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch tổ chức triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý. Cụ thể thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi; thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN….
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, tiếp cận chính sách hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: Cần có những định hướng thống nhất các phương án cho các DN vừa và nhỏ; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ; hướng dẫn, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện DN và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư. Xây dựng quy trình, thủ tục công nhận mạng lưới tư vấn viên pháp luật; sửa đổi thủ tục hỗ trợ phí tư vấn pháp luật theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đề ra; tăng cường hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho DN để tham mưu về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ...
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông về công tác hỗ trợ pháp lý DN nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cũng như các DN về hỗ trợ pháp lý cho DN; phân công đầu mối thống nhất tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; phát huy vai trò của luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật tham gia công tác này.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.