Hội thảo 'Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của HĐND'
Sáng 25.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo 'Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND)'.
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện lãnh đạo HĐND các tỉnh Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, TP. Đà Nẵng; các chuyên gia…
Hội thảo nhằm triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND” do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm Chủ nhiệm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, giám sát là chức năng quan trọng của HĐND nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND ngày càng hiệu quả, thu được nhiều kết quả quan trọng, đưa công tác giám sát của HĐND các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong tiến trình hoàn thiện tổ chức và hoạt động của HĐND.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp như: giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn rất hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên; hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND chưa nhiều, kết quả hoạt động chưa đồng đều; chưa có chế tài cụ thể xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc thực hiện kết luận hoặc nghị quyết giám sát của HĐND.
Cho rằng, các hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có hệ thống pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, để hoạt động giám sát của HĐND và hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực sự mang lại hiệu lực, hiệu quả cho chính quyền địa phương, góp phần làm cho hoạt động chính quyền địa phương công khai, minh bạch, có trách nhiệm thì các quy định của pháp luật về giám sát của HĐND phải hoàn thiện. “Hoàn thiện pháp luật tạo thành cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND có thể triển khai, tổ chức các hình thức giám sát khác nhau nhằm thực hiện tốt và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của HĐND, xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nói.
Các đại biểu cho rằng, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được ban hành, hoạt động giám sát của HĐND các cấp được thực hiện bài bản hơn, chất lượng không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh đó, một số ý kiến lưu ý, hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề của HĐND còn gặp một số khó khăn, trong đó còn thiếu những quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được giám sát, thành viên Đoàn giám sát. Các quy định pháp luật về vai trò, chức năng, thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, đại biểu HĐND về hoạt động giám sát còn định tính...
Ngoài ra, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026 có tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc ngày càng cao của HĐND. Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm và giữ cương vị lãnh đạo tại các đơn vị, địa phương nên điều kiện tham gia hoạt động giám sát gặp khó khăn.
Các chế tài xử lý sau giám sát của HĐND chưa rõ ràng. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát của HĐND đến với cử tri và nhân dân chưa sâu rộng, toàn diện, do vậy việc nhận được thông tin phản hồi từ phía cử tri và nhân dân liên quan đến lĩnh vực được giám sát còn hạn chế. Chưa có quy định, cơ chế thuê chuyên gia để phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu HĐND…
Để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, các đại biểu đề nghị, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống luật về HĐND (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...), các luật liên quan đến hoạt động của HĐND (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư công, Luật Kiểm toán Nhà nướcc, Luật Thanh tra, Luật Ngân sách nhà nước...) để tạo ra một hành lang pháp lý với cơ chế hoạt động mang tính hiệu quả, hiệu lực hơn.
Một số ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; bổ sung các quy định về mời chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá độc lập để giúp cho việc tổ chức giám sát chuyên sâu từng vấn đề, trong đó nêu cụ thể tiêu chuẩn, kinh phí chi trả thù lao; nghiên cứu bổ sung quy định về giá trị pháp lý của báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND…