Hội thảo thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam
Sáng 25.11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ năm 2023: 'Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng' đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam'.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nội dung của Đề tài cấp Bộ là một trong những nhánh triển khai chuyên đề 11 của Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu nêu rõ, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân và đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ luôn được quan tâm. Cùng với sự đổi mới của đất nước, gần 80 năm qua, Quốc hội Việt Nam từng bước đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào thành công chung của đất nước. Do đó, trước yêu cầu khách quan và đổi mới của đất nước trong giai đoạn mới, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng càng phải chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là thông tin quan trọng giúp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ nghiên cứu, hoàn thiện đề tài.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều quan điểm, chủ trương được nêu trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cùng với cơ chế giới thiệu, bầu những người có đức, có tài, có trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị tham gia Quốc hội, nhằm xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để thực hiện hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.
Các đại biểu cũng đánh giá, qua các nhiệm kỳ, hoạt động của Quốc hội trên 3 phương diện lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có nhiều đổi mới về phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn, phát huy dân chủ, pháp quyền và tăng tính chuyên nghiệp. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng dân chủ, chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, có bước đột phá; đầu tư thích đáng cho công tác phân tích chính sách, đánh giá tác động; tập trung đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước một cách thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện; nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giám sát cần thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình thực tiễn…
Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ năm 1991 đến nay, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ thực trạng, phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải pháp đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; giải pháp nâng cao chất lượng, các điều kiện đảm bảo hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH và cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH…