Hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045
Chiều 20/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đến năm 2045.
Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International) báo cáo nội dung chính của dự thảo Đề án. Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch của thành phố Tam Điệp gồm 6 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Tây Sơn, Nam Sơn, Yên Bình, Tân Bình) và 3 xã (Đông Sơn, Yên Sơn và Quang Sơn). Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 10.501 ha (trong đó phần diện tích nằm trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 khoảng 1.260,1 ha). Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 89.000 người và đến năm 2045 ước khoảng 150.000 người...
Thành phố Tam Điệp sẽ mang tính chất là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình; trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, đa dạng, phát huy lợi thế vị trí địa lý và truyền thống địa phương; là đô thị phát triển định hướng đô thị loại II; khu vực quan trọng về an ninh - quốc phòng.
Đề án cũng nhấn mạnh, phát triển đô thị Tam Điệp có mối liên hệ giữa tỉnh Ninh Bình với vùng thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và vai trò là đầu mối giao thông cửa ngõ của vùng Bắc Trung bộ.
Các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đã đóng góp ý kiến, phản biện vào dự thảo Đề án. Trong đó nhấn mạnh, Đề án điều chỉnh tập trung xây dựng Tam Điệp thực sự là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Thành viên Hội đồng tư vấn phản biện cũng đề nghị đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cần bám sát Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024. Trong đó có xác định các định hướng đối với thành phố Tam Điệp trong giai đoạn 2021-2030: Thuộc vùng trung tâm của tỉnh Ninh Bình; là đô thị cửa ngõ phía nam, với tính chất: thành phố công nghiệp dịch vụ và là đô thị loại II.
Việc quy hoạch không gian thành phố Tam Điệp phát triển có tính bền vững, cần song hành với bảo tồn, phát huy các giá trị bản địa, bao gồm toàn bộ tài nguyên thiên nhiên hiện còn và tài nguyên nhân văn. Mô hình phát triển phải có tầm nhìn dài hạn, gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên, tránh làm tổn hại môi trường, cảnh quan. Đề án cần phản ánh chi tiết hơn quá trình phát triển và vai trò của thành phố trong mối quan hệ trong tỉnh và các vùng phụ cận. Làm cơ sở để thu hút các dự án đầu tư.
Các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện cũng thống nhất, việc lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Tam Điệp đến năm 2045 là rất cần thiết và có ý nghĩa chiến lược to lớn. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị.