Hội thảo tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá
Sáng 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Dự hội thảo có các đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tổ chức HealthBridge Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã cho biết: Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động). Theo ước tính của tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
“Thuốc lá cũng chính là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá, ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá”, bà Hương nhấn mạnh
Theo TS.Bs Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết: Thực trạng sử dụng thuốc ở người trưởng thành và phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ở trẻ em, với 15,4 triệu người hút (BYT,2020) Việt Nam nằm trong số quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ hút thuốc người trưởng thành giảm chậm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động vẫn ở mức cao.
Xu hướng gia tăng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ, năm 2015 tỷ lệ thuốc lá điện tử ở người trưởng thành ở Việt Nam là 0,2% chưa có số liệu về sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên, năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 12-17 tuổi là 2,6%, năm 2021-2022 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-15 tuổi là 3,5%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đặc biệt cao ở các thành phố lớn chiếm 8,35% học sinh lớp 8-12 tại Hà Nội sử dụng thuốc lá điện tử.
Do đó, TS.BS Nguyễn Thị An cho rằng, Việt Nam cần tăng cường thực thi luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Đồng thời, ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tổ chức Y tế Thế giới. Song, cần nâng cao hiểu biết qua phương tiện truyền thông về tác hại của thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.
Vì vậy, WHO khuyến cáo Việt Nam nên tăng thuế thuốc là thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập, để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.
Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức đã cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá với mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để giúp người dân nhận thức ngày càng cao về tác hại của thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đến kinh tế. Từ đó, có những hành động cụ thể, góp phần chung tay giảm thiệt hại do thuốc lá gây ra tại Việt Nam trong thời gian tới.