Hội thảo về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tình hình dịch tễ bệnh lao trên thế giới và tại Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Ước tính số ca mắc và tử vong do bệnh lao trên toàn cầu từ năm 2020 đến nay có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2020 có 10,1 triệu người mắc, 1,4 triệu người tử vong do bệnh lao; năm 2021 có 10,4 triệu người mắc, 1,42 triệu người tử vong; năm 2022, 10,6 triệu người mắc, 1,32 triệu người tử vong; năm 2023, 10,8 triệu người mắc, 1,25 triệu người tử vong. Trong đó có 5 quốc gia có gánh nặng về bệnh lao chiếm 56%, là Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Pakistan.

Tại Việt Nam, hoạt động phòng, chống bệnh lao đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong những năm qua, tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát, qua điều tra so sánh, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao từ năm 2007 đến 2017 giảm 31%. Tuy nhiên, hằng năm số tử vong do bệnh lao vẫn còn cao, khoảng 11.000 người/năm; còn nhiều người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Việt Nam, hiện vẫn xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng về bệnh lao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh lao khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh.

Để đạt được các mục tiêu phòng, chống bệnh lao, ngành Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo lộ trình. Hằng năm, ngành đẩy mạnh các hoạt động khám phát hiện bệnh lao theo chiến lược 2X, tức là sàng lọc lao với X-quang phổi kết hợp với xét nghiệm đờm bằng Gene Xpert phát hiện vi khuẩn lao tại cộng đồng. Tăng cường hoạt động truyền thông nhằm xóa bỏ kỳ thị, mặc cảm, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, khám phát hiện và điều trị lao.

Đồng thời, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời tới tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh nhân lao, hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức, tăng cường phát hiện lao chủ động. Nếu có triệu chứng như ho, sốt, bị các bệnh hô hấp nghi lao, cần đến cơ sở y tế tại địa phương để được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời./.

Hoàng Chúc (CDC Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/hoi-thao-ve-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-lao-post68193.html