Hội thảo về xúc tiến và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An English Edition
Sáng 09/11, Sở Công Thương Long An phối hợp UBND thị xã Kiến Tường tổ chức hội thảo về xúc tiến và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kiến Tường - La Văn Dân; Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ; Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh - Võ Ngọc Đỉnh, đại diện Cục Hải quan, các địa phương huyện biên giới, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tạo những giải pháp căn bản và đáp ứng kịp thời định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới trở thành vùng kinh tế năng động. Qua đó, khai thác tiềm năng về đất đai để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành và phát triển khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics dọc biên giới, xây dựng và phát triển kinh tế cửa khẩu. Sở Công Thương mong muốn cùng doanh nghiệp, các đại biểu đến từ sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã cùng nghiên cứu, trao đổi, đề ra các định hướng, chương trình, giải pháp thống nhất, mang tính ưu việt nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế biên giới tỉnh Long An.
Long An được đánh giá có điều kiện phát triển hài hòa công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và có tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại biên giới với 133km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey-Veng, Vương Quốc Campuchia. Đồng thời, Khu Kinh tế cửa khẩu Long An được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định 07/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 với tổng diện tích 13.080ha; đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An đến năm 2030. Khu Kinh tế cửa khẩu Long An là trục hành lang kinh tế quan trọng nằm phía Tây tỉnh Long An, một trong những đầu mối giao thương quan trọng trong vùng Đồng Tháp Mười gắn với các tuyến giao thông xuyên Á.
Mục tiêu phát triển kinh tế biên giới tỉnh Long An đến năm 2030, vùng biên giới sẽ trở thành vùng kinh tế năng động, khai thác tiềm năng để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khu Kinh tế cửa khẩu trở thành một hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Campuchia.
Tham gia hội thảo, đại biểu tập trung bàn các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Trong đó, bức tranh hiện trạng hạ tầng biên giới của tỉnh, danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần kêu gọi đầu tư, thực trạng hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới của tỉnh Long An - vai trò hạ tầng thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Những vấn đề khác như thực trạng và định hướng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng biên giới tại thị xã Kiến Tường; thực trạng và định hướng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng biên giới tại huyện Đức Huệ; thực trạng và tình hình hoạt động, thu hút đầu tư tại Khu cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; góc nhìn doanh nghiệp việc thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới,... cũng được đại biểu quan tâm, chia sẻ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung./.