Hội thảo xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Như Xuân

Chiều 19-5, Viện Môi trường nông nghiệp và Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam cùng UBND huyện Như Xuân đã phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá hiện trạng sử dụng đất, xác định thích nghi một số cây trồng chủ lực phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện Như Xuân.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Như Xuân là 1 trong 9 huyện nằm trong phạm vi nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1), gồm: Lang Chánh, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định và Hà Trung.

Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua huyện Như Xuân đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Môi trường nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam nghiên cứu, xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp huyện Như Xuân.

Đại diện Viện Môi trường Nông nghiệp báo cáo kết quả nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp, từ kế thừa, thu thập tài liệu có liên quan, điều tra nông hộ, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, đến thu thập mẫu nông hóa, phân tích mẫu đất, đánh giá đất đai, xác định nhu cầu phân bón cho cây trồng…. làm cơ sở khoa học và thực tế để xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy 1.047 mẫu nông hóa trên diện tích 15.891,21 ha đất sản xuất nông nghiệp; tiến hành phân tích 8 chỉ tiêu nông hóa trên các mẫu nông hóa đã được thu thập.

Căn cứ kết quả đánh giá các đặc tính nông hóa vùng điều tra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng bản đồ nông hóa của huyện ở tỷ lệ 1/25.000 với 110 đơn vị nông hóa và đánh giá mức độ thích hợp đất cho 15 loại cây trồng. Trên cơ sở bản đồ mức độ thích hợp đất đai và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bố trí 11 nhóm, loại cây trồng chính cho huyện. Đồng thời, xây dựng bản đồ khuyến cáo bón phân cân đối cho các cây trồng chính.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm tính bền vững.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Kết quả nghiên cứu và các ý kiến thảo luận tại hội thảo là cơ sở quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1).

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/hoi-thao-xay-dung-phuong-an-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-tren-dia-ban-huyen-nhu-xuan/159278.htm