Hội thảo Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Trạch tả Ninh Bình'

Vừa qua, tại xã Khánh Thành (Yên Khánh), Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viên Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Sở KH và CN, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở NN và PTNT) tổ chức hội thảo Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Trạch tả Ninh Bình'. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo sở, ngành, huyện Yên Khánh và nhân dân các xã Khánh Thành, Khánh Công, Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), Chính Tâm, Xuân Thiện (huyện Kim Sơn).

Các đại biểu dự hội thảo.

Cây trạch tả bắt đầu được trồng tại Ninh Bình từ năm 2006, tuy nhiên diện tích cây trạch tả tại tỉnh có có sự biến động lớn qua các năm do ảnh hưởng của đầu ra sản phẩm không ổn định. Năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có diện tích trồng cây trạch tả khoảng 170 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một số xã ở Gia Viễn, thành phố Ninh Bình.

Năng suất cây trạch tả tại Ninh Bình đạt từ 2,5 – 3 tấn củ khô/ha, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha. Nhận thức được giá trị và hiệu quả kinh tế cao của cây trạch tả mang lại, nhiều huyện của tỉnh đã vận động hội viên, nông dân mở rộng diện tích trồng cây trạch tả. Để góp phần ổn định sản xuất cây trạch tả, các hợp tác xã nông nghiệp đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Một số đơn vị đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trạch tả ở tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sản phẩm trạch tả hiện nay chưa thống nhất về mẫu mã, quy cách và chưa được gắn nhãn nên giá cả của sản phẩm không ổn định, các hộ sản xuất chưa áp dụng một quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Sản phẩm Trạch tả Ninh Bình hầu hết không có dấu hiệu để phân biệt đã gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhận diện, do đó việc lợi dụng thương hiệu Trạch tả Ninh Bình diễn ra một cách dễ dàng và khó kiểm soát.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, xây dựng một thương hiệu chung “Trạch tả Ninh Bình” góp phần phát triển kinh tế cho địa phương cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất Trạch tả Ninh Bình là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất cây trạch tả tại tỉnh Ninh Bình.

Hội thảo tập trung đóng góp, tạo lập nhãn hiệu chung cho sản phẩm có các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng (cảm quan, lý hóa) rõ ràng. Hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” đáp ứng các điều kiện quy định; Quy chế quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình”;

Xây dựng được hệ thống công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình”; thống nhất 01 bộ logo, 01 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, 01 quy trình cấp và thu hồi nhãn hiệu, 01 quy chế kiểm soát nhãn hiệu, 01 hệ thống sổ sách theo dõi và kiểm tra, 01 bộ phương tiện quảng bá sản phẩm (bao bì, tờ rơi, poster, biển quảng cáo, bài báo, website, video clip...).

Tin, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-xay-dyng-quan-ly-va-phat-trien-nhan-hieu-chung-nhan-trach-ta-ninh-binh-20191130090235346p2c20.htm