Hội thảo 'Xu hướng và cơ hội tại thị trường Bình Dương' hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, đầu tư logistics
Gần 200 doanh nghiệp đã lắng nghe phân tích chuyên sâu về bối cảnh, xu hướng thị trường thế giới và Việt Nam, những tiềm năng và lợi thế tại thị trường tỉnh Bình Dương cũng như những giải pháp tài chính đòn bẩy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistic phát huy lợi thế và vươn tầm thế giới tại Hội thảo.
Hội thảo do Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) phối hợp cùng Sở Công thương Bình Dương và Hiệp hội Logistic Bình Dương tổ chức.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết: "Hiện Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong nhiều năm liên tục, Bình Dương đứng ở vị trí thứ 3 trên cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.
Bình Dương đang tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Hiện nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển của Bình Dương liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Theo đó, hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.
Đại diện các DN trong ngành logistics cũng chia sẻ khó khăn do các biến động của kinh tế thị trường, xung đột chính trị, thị trường tiêu thụ giảm dẫn đến giảm sản lượng của các đối tác đầu ra. Để tìm thị trường mới, khách hàng mới, DN phải chứng minh năng lực tài chính và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của các thị trường xuất khẩu mục tiêu, kể cả yêu cầu của của các đối tác đầu ra. Nhiều DN muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, mở nhà xưởng trong nước cũng gặp khó khăn về vốn.
Để giải quyết bài toán khó cho DN cũng như tạo điều kiện cho DN logistics nắm bắt cơ hội và phát huy các lợi thế tốt nhất, đại diện Ngân hàng Techcombank cũng đưa ra nhiều giải pháp được "may đo" cho các DN logistics. Ông Ngô Đức Anh-Chuyên gia cao cấp tư vấn Khách hàng Doanh nghiệp, Techcombank cho biết thêm: "Ngoài việc cung cấp các giải pháp vốn, Ngân hàng sẽ trang bị cho DN một bộ công cụ khung để hỗ trợ quản lý nguồn vốn hiệu
quả bằng cách áp dụng các chính sách và biện pháp kiểm soát phù hợp.
Nhiều DN Trung Quốc cũng chia sẻ mong muốn các ngân hàng áp dụng giao diện tiếng Hoa trên nền tảng số để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp logistic có vốn đầu tư Trung Quốc và đã được Ngân hàng Techcombank tiên phong triển khai.
Chia sẻ kế hoạch phát triển ngành logistics tại Bình Dương trong tương lai, bà Huỳnh Đinh Thái Linh- Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương (BLA), Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới, Thành phố mới Bình Dương cho biết: "Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 15 trung tâm logistics quy mô lớn. Trong đó, Tỉnh có 3 ICD và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa; cùng với nhiều cảng sông, kho hàng đang phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất.
Bình Dương cũng xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, giai đoạn 2024-2030, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%.
Định hướng của Bình Dương là phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông, giao thông vận tải, đưa Bình Dương trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ chuyên môn về logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bà Linh chia sẻ, đây cũng là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Một số giải pháp tài chính giúp DN logistics mở rộng đầu tư kinh doanh được Techcombank hỗ trợ như:
Tài trợ vốn lưu động lên đến 100% giá trị phương án xuất khẩu, tỷ lệ tín chấp lên đến 90% số tiền tài trợ; Tài trợ thu mua dự trữ tồn kho, giải ngân dựa trên phương án xuất khẩu; Tài trợ vốn sau khi DN mua hàng; Ứng trước tiền thanh toán đến 100% giá trị khoản phải thu cho bên xuất khẩu dựa trên Bảo lãnh thanh toán từ các ngân hàng đối tác– thành viên của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế FCI cho rủi ro thanh toán từ bên nhập khẩu; Cho DN vay trung hạn đầu tư, chấp thuận nhận tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo giá trị tài trợ đến 80% nhu cầu phương án đầu tư, thời hạn trả nợ linh hoạt theo dòng tiền phương án; Tài trợ trọn gói hành trình đầu tư khi DN có nhu cầu phát triển KCN cho công ty, nhóm công ty từ giai đoạn thanh toán chi phí mua đất, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chi phí đầu tư hạ tầng...