Cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4, khu vực miền Bắc, với sự tham dự của 26 tỉnh, thành phố, vừa diễn ra. Đội thi Hà Nội với tiểu phẩm hòa giải tranh chấp di sản nhạy cảm và khó khăn. Dưới sự hòa giải, phân tích thấu tình đạt lý của các hòa giải viên, vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng và trọn vẹn.
Ảnh
Để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức hội thi "Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".
Những người dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại hội thi hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 1 đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị, trong đó 1 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 5 người tham gia các vai phụ.
Hội thi được tổ chức thành 2 vòng thi, gồm vòng thi khu vực và vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 3 khu vực là miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9 này.
Nội dung thi gồm các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Kết thúc 3 vòng thi khu vực, các đội thi đạt giải nhất, nhì, ba sẽ tham dự vòng thi toàn quốc, với tổng số 15 đội thi. Địa điểm tổ chức vòng thi toàn quốc là ở Hà Nội. Thời gian thi dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2023. Đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia các phần thi, gồm: Phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 5 phút, tổng số 20 điểm.
Đội thi giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...).
Phần thi lý thuyết gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tối đa 10 giây chuẩn bị cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm.
Phần thi hòa giải khéo tối đa có 4 phút chuẩn bị và trả lời, tổng số 40 điểm: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức hội thi đặt ra.
Phần thi tiểu phẩm trong thời gian tối đa 7 phút, tổng số 40 điểm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, sinh thời Bác Hồ kính yêu rất coi trọng công tác hòa giải. Người đề cao việc tổ chức, giáo dục cán bộ, nhân dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, làm tốt công tác vận động, thuyết phục quần chúng hòa giải ở cơ sở với phương châm “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án.
Tham gia hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc vòng loại khu vực miền Bắc, đội thi của Hà Nội hoàn thành các phần thi giới thiệu, lý thuyết và hòa giải khéo. Tại phần thi tiểu phẩm, đội thi Hà Nội lựa chọn một trong những tình huống hòa giải phổ biến tại Việt Nam nhưng lại rất nhạy cảm và không hề dễ dàng trong việc hòa giải đó là hòa giải tranh chấp di sản, tài sản của cha mẹ nhưng không có di chúc.
Tại đây, 3 hòa giải viên phải đối diện với tình huống một gia đình cha mẹ đã mất, chỉ còn lại anh trai, em ruột và chị dâu. Theo những trao đổi của 2 anh em, người anh trai đầu tiên đồng ý sang tên lại ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Ngọc Vũ cho người em gái hoàn cảnh khó khăn, còn vợ chồng mình sẽ trông coi ngôi nhà lớn của cha mẹ để tiện hương khói. Tuy nhiên, người vợ sau khi nghe hàng xóm nói ra vào, cho rằng chồng không tôn trọng mình và ra sức không cho phép chồng sang tên căn nhà cho em chồng. Người em trước đó đã được anh trai đồng ý nhưng nay người anh lại nghe vợ và không làm theo như những gì hai anh em đồng thuận nên xảy ra cãi cọ, động tay chân giữa em chồng - chị dâu.
Nhận được tin cãi vã, 3 hòa giải viên đã tới nhà, dùng lí lẽ và tình cảm để hòa giải. Một bên khuyên giải chị vợ theo luật thừa kế tài sản, người chị làm như thế với em là sai, chưa kể đến việc cha mẹ có hai ngôi nhà, hai vợ chồng đã trông coi ngôi nhà lớn rồi thì hãy để lại ngôi nhà nhỏ cho em gái. Một bên cũng nói với người em chồng rằng, tuy về lý cô đúng nhưng chị dâu, anh trai cũng là vai vế lớn hơn, việc sử dụng những từ ngữ không hay là không tốt. Điều quan trọng nhất là gia đình ruột thịt, không nên vì những điều này mà làm mất đi giá trị tình cảm cao quý đó. Dưới sự hòa giải, phân tích thấu tình đạt lý của các hòa giải viên, vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng. Chị vợ thậm chí còn giục chồng đi sang tên nhà cho em gái ngay và luôn trong tình cảm và vui vẻ.
Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách "thấu tình đạt lý".