Hồi ức của người lính năm xưa
Khi nhắc về năm tháng tham gia kháng chiến đầy cam go, ác liệt, những người lính Cụ Hồ ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) không khỏi bồi hồi, xúc động. Với họ, được cống hiến công sức của mình cho cách mạng, cho đất nước chính là niềm vinh dự tự hào.
1. Biết mục đích đến thăm của chúng tôi, ông Rah Lan Piơ (SN 1945, trú tại buôn Ma Rin 1, xã Ia Ma Rơn) không giấu được niềm vui. Ông kể về khoảng thời gian phục vụ cách mạng trong niềm tự hào khôn xiết. Từ nhỏ, ông là cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Năm 13 tuổi, ông được cán bộ giao nhiệm vụ chuyển thư từ, báo tin vào khu căn cứ cách mạng xã 5, huyện H2, tỉnh Đak Lak. Không quản ngại trời nắng hay mưa, ban ngày hay đêm tối, cứ giao nhiệm vụ là ông lại băng rừng, lội suối đưa thông tin đến đúng nơi quy định.
“Công việc này rất nguy hiểm, không cho phép mình sơ sẩy. Ngoài việc cải trang, mình còn phải xử lý tình huống linh hoạt. Có lần, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, mình bị quân địch kiểm tra. Để qua mắt bọn chúng, mình khoét ống nứa, nhét giấu tài liệu vào trong rồi đóng kín lại. Quá trình di chuyển, có lúc mình giả bộ cầm cần đi câu cá, có lúc mình cầm cái nỏ như đi bắn chim. Nhờ nhanh trí nên nhiều lần mình lọt qua sự bao vây, canh gác của bọn chúng và đưa thông tin đến nơi quy định”-ông Piơ thổ lộ.
Năm 1967, ông Piơ tham gia du kích xã A11 (nay là xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro). Sau đó, ông tham gia đội công tác K7 thuộc đội 4, huyện 11 (nay là huyện Ia Pa). Tại đây, ông thường xuyên nắm tình hình hoạt động của quân địch trong ấp chiến lược để báo cáo cho cán bộ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông là thành viên tổ cảm tử phối hợp cùng với lực lượng khác tổ chức đấu tranh chính trị tại doanh trại của ngụy quân.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Piơ được chính quyền địa phương cử đi học rồi đảm nhận các chức vụ như: Trưởng Công an xã Ia Ma Rơn (từ năm 1976 đến 1978); Bí thư Đảng ủy xã Ia Hiao (từ năm 1979 đến 1987); Bí thư Đảng ủy xã Ia Ma Rơn (từ năm 1987 đến 1989); Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện và Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ huyện Ayun Pa (từ năm 1989 đến 1999); Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Ayun Pa (từ năm 1999 đến 2005); Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Ayun Pa (từ năm 2006 đến 2009) và sau đó nghỉ hưu. Ông cũng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2. Chúng tôi đến thăm thương binh Nông Văn Phong (SN 1952, buôn Knia, xã Ia Trok). Ông Phong chia sẻ: Ông quê ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Tháng 8-1971, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 44, Sư đoàn 304B tại huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Tháng 2-1972, ông được bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Khi đơn vị mới đi đến Quảng Bình thì phải khẩn trương hành quân bộ men theo đường rừng để bảo đảm bí mật. Ròng rã gần 6 tháng, ông và đồng đội mới đến địa bàn nhận nhiệm vụ. Tại chiến trường B2 (thuộc miền Tây Nam Bộ), ông được điều chuyển về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5.
Nhận mệnh lệnh từ cấp trên, tối 26-4-1975, đơn vị của ông xuất kích từ huyện Thủ Thừa (thị xã Tân An, tỉnh Long An). Tại đây, ông cùng đồng đội tiến hành đào hầm, bố trí lực lượng lập chốt chắn phòng thủ nhằm đánh chặn quân địch. “Thời điểm đó, thị xã Tân An là địa bàn vô cùng ác liệt. Đây là một trong số những cơ quan đầu não của ngụy để bảo vệ từ xa cho Sài Gòn và kìm bước quân giải phóng. Lúc 7 giờ ngày 27-4-1975, quân địch hành quân đến thị xã Tân An thì bị chúng tôi chặn đánh bất ngờ. Trước tình thế đó, địch buộc phải tháo chạy, buông bỏ vũ khí. Sau trận đánh đó, địch tăng cường thêm lực lượng và chia các mũi tấn công nhằm bao vây đơn vị. Trong khi đó, Đại đội 6 chỉ còn 8 chiến sĩ, chênh lệch về lực lượng và đạn pháo khiến anh em lo lắng. Để tiếp thêm động lực, tôi động viên đồng đội chiến đấu đến cùng, thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng. Tiếp đó, chúng tôi phối hợp với các đơn vị khác cùng nhau tiến công vào thị xã Tân An và bắt giữ nhiều tướng, tá chỉ huy của ngụy quân. Đúng trưa ngày 30-4-1975, thị xã Tân An được giải phóng”-ông Phong nhớ lại. Với những đóng góp của mình, ông Phong được Nhà nước tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng.
Ông Nông Văn Tiến-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Ia Pa: Ông Rah Lan Piơ và Nông Văn Phong là những cá nhân góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Tại địa phương, phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, các ông luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoi-uc-cua-nguoi-linh-nam-xua-post247665.html