Hồi ức của những nhà báo thời chiến
Hầu hết, những cán bộ phóng viên phục vụ mặt trận nay đã nghỉ hưu, nhưng những ký ức về một thời làm báo rực lửa, bằng tình yêu nước và lý tưởng cách mạng vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người.
Chuyện làm báo thời chiến
Trong một ngày hè oi ả, nhà báo Trần Tuấn đón chúng tôi bằng nụ cười thường trực trên khuôn mặt cương nghị và rắn rỏi. Bằng chất giọng trầm ấm, sâu lắng của một người gốc Tràng An, ông bắt đầu kể về những ngày làm phóng viên ảnh thời sự tại chiến trường Trị Thiên Huế.
Năm 1972, sau khoảng 5 năm công tác tại Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), chàng phóng viên ảnh thời sự được phân công tác nghiệp ghi lại tội ác của giặc Mỹ trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông kể: “Trong những ngày tháng sục sôi, có những đêm ngủ thấp thỏm chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, thậm chí có những đêm phải thức trắng vì còi báo động liên tục réo khắp phố phường, máy bay địch liên tục tập kích. Thời gian này, phóng viên phải trực suốt ngày, suốt đêm. Khi máy bay địch kéo đến, người dân vào hầm trú ẩn thì chúng tôi vẫn ở lại trên mặt đất, lao đến các điểm nóng để ghi lại những bằng chứng tội ác mà địch gây ra, đồng thời ghi lại những hình ảnh về sự anh dũng của quân dân ta…”.
Cuối năm 1972, với kinh nghiệm tác nghiệp dày dặn, chàng phóng viên trẻ tiếp tục được phân công sang Ban thống nhất Trung ương, để vào chiến trường miền Trung (còn gọi là mặt trận Trị Thiên Huế) với vai trò là phóng viên ảnh mặt trận.
Nhà báo Trần Tuấn kể lại, phóng viên chiến trường phải tác chiến độc lập, để chụp được ảnh đã khó, lại còn phải tự tráng phim, phóng ảnh, phát ảnh về Hà Nội. Tráng cần không gian thật tối. Muốn vậy, chỉ có chờ đêm xuống. “Tác nghiệp ở mặt trận Trị Thiên Huế rất khó khăn, bởi phải tác nghiệp trong rừng, độ ẩm rất cao và không có điện. Muốn phát ảnh và thông tin về Hà Nội thì phải tự quay máy phát điện bằng tay”, nhà báo Trần Tuấn nhớ lại.
Cựu phóng viên ảnh bảo, làm báo ngày ấy vô cùng vất vả, không như ngày nay. Bây giờ, chụp xong bức ảnh là có thể xem luôn, nếu không hài lòng thì có thể chụp lại. Giá như ngày chiến trận, người làm báo cũng được tác nghiệp với công nghệ hiện đại như bây giờ, sẽ không tốn, không hỏng cả cuộn phim, có giá tương đương…hàng tạ gạo thời bấy giờ.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1976, nhà báo Trần Tuấn ra Bắc và được phân công chuyên trách hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông tiếp tục có những bức hình mang giá trị thời sự, lịch sử cao.
Chuyển tin bằng mọi giá
Chia tay thành phố hoa phượng đỏ khi đang là một điện báo viên của phân xã Hải Phòng (tháng 6/1978), chàng trai trẻ Lê Văn Hiệp nhận nhiệm vụ lên Hà Tuyên. Khi chiến tranh Biên giới (1979) xảy ra, những người như điện báo viên Lê Văn Hiệp có nhiệm vụ chuyển thông tin từ tiền tuyến về hậu phương. Ý thức được vai trò của mình, ông Hiệp luôn xác định, bằng mọi giá phải chuyển tin về Tổng xã nhanh nhất, chính xác nhất.
“Vừa đọc, vừa gõ morse, tôi vừa đau lòng khi phải chứng kiến những mất mát hy sinh của quân và dân ta. Nhiều khi vừa tạch tè gõ morse, tôi vừa rơi nước mắt. Ngày đó, trước khi chuyển tin, điện báo viên chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ nội dung thành các tín hiệu morse để truyền về Tổng xã theo hai phiên cố định trong ngày”, ông Hiệp kể.
Nhà báo Lê Văn Hiệp, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Thông tấn xã Việt Nam cho biết, cực nhất là khi mất điện, việc truyền thông tin về hậu phương hoàn toàn làm bằng thủ công. Lúc này, nếu không nhờ được anh em cơ sở quay máy phát điện thì ông chỉ còn cách chạy ra bưu điện, gọi điện cho kíp trực ở Hà Nội để tiếp nhận thông tin.
40 năm trôi qua, mặc dù đã bước sang ngưỡng tuổi 70, nhưng những ký ức về thời gian làm nghề đầy khó khăn, nguy hiểm nơi tiền tuyến bom đạn ngày nào vẫn nguyên vẹn trong tâm trí các cựu phóng viên. Với sứ mệnh của mình là gửi thông tin, hình ảnh về Tổng xã bằng mọi giá, các cựu phóng viên chiến trường tác nghiệp trong bối cảnh cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng họ vẫn dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà báo Lê Văn Hiệp bảo, giờ nhiều khi nhớ lại, ông vẫn hình dung ra rõ khung cảnh của ngọn đồi đỏ lửa, ngửi được mùi thuốc súng khét lẹt cùng những tiếng đì đùng của đạn pháo địch xa xa...
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoi-uc-cua-nhung-nha-bao-thoi-chien-20190626200631549.htm