Hồi ức đáng nhớ của chiến sĩ đầu tiên treo cờ giải phóng

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (1952), người con quê lúa Thái Bình, nguyên là cán bộ Ban Chính trị, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lại bồi hồi nhớ về thời khắc lịch sử là người đầu tiên cắm lá cờ giải phóng trên tháp nước Trại Davis - trái tim giữa lòng địch.

Năm 1971, ông Phạm Văn Lãi nhập ngũ và được điều vào chiến trường B2, bắt đầu cuộc hành quân kéo dài suốt 6 tháng dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (trái) bên cạnh bức ảnh chụp khoảnh khắc treo cờ tại Trại Davis. (Ảnh: Phương Thảo)

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (trái) bên cạnh bức ảnh chụp khoảnh khắc treo cờ tại Trại Davis. (Ảnh: Phương Thảo)

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris vào tháng 1/1973.

Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết sẽ bố trí trụ sở cho chính phủ bốn bên cùng với Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn để giám sát việc thực thi Hiệp định.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã có dụng ý buộc hai phái đoàn đại biểu quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) phải đóng quân trong Trại Davis - doanh trại cũ của lính Mỹ, được đặt theo tên James Thomas Davis, một lính viễn thám Mỹ được chôn cất tại đây.

Ông Phạm Văn Lãi được phân công công tác ở Ban Chính trị Đoàn A, với nhiệm vụ giúp việc cho các đồng chí lãnh đạo và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết khác trong cuộc đấu tranh để đảm bảo việc thực thi Hiệp định được hiệu quả.

823 ngày đêm sống trong “chảo lửa”

Theo lời kể của ông Lãi, Trại Davis dù được gọi là trụ sở của phái đoàn ta nhưng thực chất là một “lòng chảo” đầy kìm kẹp, bốn bề vây dây thép gai, “không khác gì nơi thả súc vật”. Quanh trại có tổng 13 vọng gác, chiến hào được đào sâu xuống và đắp lũy lên cao như con đê sông Hồng, xung quanh rải dây kẽm gai, dây điện để kiểm soát việc đào hầm hoặc chạy trốn của ta.

Phía trước trụ sở cách 1 km là Bộ Tổng Tham mưu ngụy, xung quanh là lực lượng sư đoàn dù, tăng-thiết giáp, sân bay quân sự của địch và khu dân binh. Bên trong trụ sở, hệ thống máy nghe lén được cài kín trong các bức tường với các chip điện tử để thu âm những hoạt động của hai phái đoàn.

Ông Lãi cho biết, ngày cũng như đêm, máy bay trinh sát hoạt động rền rĩ trên đầu không lúc nào ngớt, dưới đất là quân cảnh tuần tra liên tục. Xung quanh trại chỗ nào cũng có kim tiêm, sách báo, hình ảnh văn hóa đồi trụy mà kẻ địch cố tình đưa vào để làm lung lay tinh thần các chiến sĩ trong phái đoàn.

“Ngay thời điểm đó, chúng tôi đã xác định, tuy là bỏ mình vào trong rọ nhưng phải luôn duy trì phong cách của người Cộng sản anh dũng, kiên cường với đời sống lạc quan, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi vẫn giữ vững nếp sống của bộ đội cụ Hồ. Mỗi sáng tập thể dục, chăm sóc vườn rau, chăn nuôi gà lợn, chim hòa bình, tăng gia sản xuất, rèn luyện kỷ luật và nếp sống lành mạnh. Buổi chiều, anh em cùng ra sân chơi các môn thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt, cầu lông”, ông Lãi chia sẻ.

Ông Lãi vui vẻ nhớ lại, trong cuộc sống khắc nghiệt như vậy nhưng Ban Chính trị cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như: chiếu phim, văn nghệ và hội thao. Những buổi chiếu phim của ta được tổ chức hai lần một tuần, hấp dẫn đến mức mỗi lần các chiến sĩ trong đoàn chuẩn bị phông màn, loa đài chiếu phim là lính Mỹ, lính ngụy quanh trại đều báo hiệu cho nhau biết.

Vào một buổi tối tại Trại Davis, trong lúc các cán bộ, chiến sĩ của phái đoàn ta đang rục rịch chuẩn bị máy chiếu, dựng phông màn để chiếu phim như thường lệ thì có một nhóm lính Mỹ đến để làm thủ tục căn cước. Tình cờ thấy anh em đang chuẩn bị chiếu phim, họ tò mò đứng lại và xin được vào xem.

Phim đầu tiên luôn là một đoạn ngắn khoảng 10 phút, với phân cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi. Trong phim, Bác Hồ bước từ thềm Phủ Chủ tịch xuống, tay cầm theo ít kẹo, phát cho các cháu nhỏ quây quần bên Bác. Các em vuốt râu Bác và hát bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.

Nghe bài hát và nhìn thấy những hình ảnh ấy, nhóm lính Mỹ ban đầu tưởng Bác Hồ là ông già Noel. Sau đó các cán bộ phiên dịch của ta đứng cạnh giải thích nội dung để họ hiểu rõ hơn và họ tỏ ra rất thích thú.

Thấy các cán bộ trong phái đoàn đeo huy hiệu Bác Hồ trên ngực áo, nhóm lính Mỹ cũng xin được đeo. Vì vậy, một đại diện của phái đoàn đã trao huy hiệu Bác Hồ cho cả bảy người. Họ trân trọng đón nhận, đeo lên áo, rồi rủ nhau tạo dáng, chụp hình với chiếc huy hiệu.

Sau khi chụp ảnh, họ cẩn thận tháo huy hiệu ra, gói trong khăn, cất vào túi áo và hứa sẽ mang theo suốt cuộc đời. Trước khi rời đi, cả nhóm cùng đứng lại hô vang ba lần: “Việt Nam Hồ Chí Minh!”.

Theo ông Phạm Văn Lãi, những buổi chiếu phim thường xuyên tại Trại Davis cũng thu hút nhiều người đến xem dù không được mời. Có quân cảnh của chính quyền Sài Gòn, có lính thuộc sư đoàn dù, lính không quân từ sân bay,...và vô tình trở thành một “món ăn tinh thần” trong trại.

Ăn Tết và đào hầm giữa vòng vây thép

Ông Phạm Văn Lãi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu khi vừa vào trại, Đoàn A đã treo lá cờ đỏ sao vàng vào đêm giao thừa để đón Tết Quý Sửu năm 1973. Trước đó, trong cuộc họp với Ủy ban quốc tế, ta đã xin phép tạm hoãn các công việc để tổ chức ăn Tết cổ truyền của dân tộc trong ngày 30 và mùng 1 Âm lịch.

Ông Phạm Văn Lãi chụp ảnh kỷ niệm tại buổi gặp mặt truyền thống ngày 19/4 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. (Ảnh: Phương Thảo)

Ông Phạm Văn Lãi chụp ảnh kỷ niệm tại buổi gặp mặt truyền thống ngày 19/4 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. (Ảnh: Phương Thảo)

Tuy điều kiện hạn chế, cán bộ, chiến sĩ vẫn chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, bánh tét để đón Tết, nhưng không thể tổ chức như các địa phương bên ngoài. Phái đoàn không đốt pháo vì nếu xảy ra tiếng nổ, địch có thể lấy cớ trà trộn tiếng súng để tấn công ta, rất nguy hiểm

Trong đêm giao thừa, ngay khi lá cờ đỏ sao vàng được treo lên cột ăng-ten phát sóng của Đài Thông tấn xã Việt Nam, địch lập tức tổ chức lực lượng áp sát, đưa xe tăng, xe thiết giáp bao vây, máy bay bay thẳng lên không trung để khống chế và quấy nhiễu. Lực lượng tuần cảnh, quân cảnh được điều động đến để uy hiếp, hò hét, yêu cầu ta hạ cờ ngay và không cho treo cờ Tổ quốc trong khu vực trụ sở.

Theo ông Lãi, theo quy chế chung, tại các đại sứ quán hoặc trụ sở chính thức, ta vẫn được treo cờ bình thường. Tuy nhiên, tại Trại Davis, địch tìm mọi cách gây căng thẳng. Trước sức ép đó, mặc dù phái đoàn ta đã phản đối, nhưng để đảm bảo thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh sau này, các cán bộ, chiến sĩ đã quyết định hạ lá cờ xuống.

Về quá trình đào hầm đầy nguy hiểm trong trụ sở Trại Davis, ông Lãi cho biết, trước đó, Tổng tham mưu ngụy Cao Văn Viên đã chỉ thị, nếu phát hiện trụ sở phái đoàn có dấu hiệu bất thường, lực lượng xung quanh có quyền xử lý và hủy diệt phái đoàn ngay tại chỗ.

Theo ông, chiến dịch Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi nên cấp trên đã đưa ra phương án rút lực lượng phái đoàn ta khỏi Trại Davis để đảm bảo an toàn, nhưng tất cả đã thống nhất ở lại, sẵn sàng hi sinh và quyết tâm giải phóng miền Nam.

Và chỉ vỏn vẹn trong 10 ngày, khoảng 150 chiến sĩ trong hai phái đoàn đã âm thầm hoàn thành việc đào hầm trong lòng trại. Hệ thống hầm hào được đào dưới các nhà sàn bằng gỗ, cách mặt đất khoảng 1m. Mọi người cũng tận dụng tủ sắt, bao cát để gia cố và ngụy trang lối xuống hầm.

“Quá trình đào hầm được tổ chức luân phiên, người làm, người nghỉ, diễn ra liên tục ngày đêm nên vừa đảm bảo tiến độ công việc vừa đảm bảo sức khỏe ổn định cho các chiến sĩ. Trong quá trình đào không có dụng cụ nên anh em trong đoàn tận dụng dao găm, lưỡi lê của khẩu súng, cọc bàn bằng kim loại của Mỹ, đập ra thành thuổng để đào.

Mọi thứ diễn ra hoàn toàn bí mật. Ngoài những lúc đào hầm, các hoạt động sinh hoạt ở trại vẫn diễn ra bình thường, anh em chúng tôi vẫn tập thể dục, chơi thể thao, bật đèn trong nhà vào ban đêm, nên địch không có ý tưởng gì về việc chúng ta đang thực hiện chiến dịch”, ông Lãi nhớ lại.

Người đầu tiên treo cờ giải phóng

Khoảng 8h sáng 30/4, Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn cùng Đảng ủy của phái đoàn đã thống nhất phương án khi thời cơ thuận lợi sẽ treo cờ, thể hiện thế đứng vững chắc của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Và chiến sĩ Phạm Văn Lãi khi ấy nhận lệnh phải khẩn trương lấy lá cờ lớn nhất trong kho - lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa, diện tích khoảng 18-20 m vuông để treo lên tháp nước trong Trại Davis.

Ông Phạm Văn Lãi xúc động: “Một tay ôm cờ, một tay cầm cán, tôi chạy băng qua sân trại trong lúc tiếng súng vẫn còn đang vang rền, giòn giã. Đến chân tháp nước, quan sát xung quanh không có ai, chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Cẩn đang canh gác nên tôi nhờ đồng chí hỗ trợ. Tôi leo trước, đồng chí Cẩn đeo súng leo sau”.

Khi lên đến đỉnh tháp, ông Lãi nhìn quanh không gian trống trải, chỉ có nắng và gió. Ông đã lường trước một điều: “Khi lá cờ được treo lên chắc chắn sẽ trở thành vị trí quan trọng mà địch có thể tấn công bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi cũng kịp thời bảo đồng chí Cẩn, nếu có hy sinh thì cũng xác định phải treo được lá cờ đã”.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Cẩn luồn cờ vào cán và buộc chặt ở phía dưới, ông Lãi ở trên cẩn thận buộc ngọn cờ vào thành tháp nước bằng dây thép. Đến khi kéo thử, thấy dây buộc chắc chắn, lá cờ không rung lắc, không nghiêng ngả, ông Lãi buông tay và lá cờ lớn lập tức bung rộng, phần phật bay trong gió.

Ông vẫn nhớ nhìn đồng hồ, đúng 9h30 sáng. Gió và nắng hòa quyện, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lồng lộng giữa bầu trời Sài Gòn, các mũi tấn công của ta cũng đang giòn giã ở các phía trong thành phố.

“Khi treo cờ xong, tự nhiên tôi thấy trong lòng trào dâng một cảm giác sung sướng khó tả, rồi nước mắt cứ chan chứa, trào ra và nhòe đi. Tôi nghĩ, có lẽ đây là cảm xúc dồn nén vì lâu rồi mình không được thấy khoảnh khắc ấy.

Hoàn thành nhiệm vụ treo cờ, khi xuống đến nơi, anh em trong phái đoàn ôm chầm lấy nhau trong niềm phấn khởi vỡ òa. Chỉ một lúc sau, đơn vị Quân đoàn 3, lực lượng được giao nhiệm vụ mở “đường máu” bảo vệ phái đoàn tiến vào trại. Các đồng chí gặp thủ trưởng Hoàng Anh Tuấn để báo cáo. Thủ trưởng vui mừng thông báo: “Bây giờ chúng tôi đã an toàn rồi”, đồng thời nhắn các đơn vị tiếp tục tiến sâu vào thành phố, tập trung tiêu diệt các mục tiêu còn lại.

“Trong giây phút ngắn ngủi ấy, anh em trong đoàn tranh thủ mang rượu rum và bánh kẹo ra, cùng nhau chúc mừng chiến thắng. Không khí vui mừng lan tỏa, nhưng cũng chỉ kéo dài chừng năm, mười phút, rồi các đơn vị lại vội vã lên đường, tiến sâu vào giải phóng Sài Gòn”, ông Lãi nghẹn ngào kể lại.

 Hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn bên lá cờ giải phóng vào sáng 30/4/1975. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn bên lá cờ giải phóng vào sáng 30/4/1975. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Sau khi về hoạt động tại Ủy ban Quân quản Sài Gòn, ông Phạm Văn Lãi cũng là người trực tiếp treo cờ lá cờ giải phóng tại cột cờ dinh độc lập trước ngày mừng chiến thắng thống nhất đất nước.

Vì cột cờ trước cửa dinh làm bằng kim loại rất trơn và cao, ông Lãi đã nghĩ ra cách leo cau ở miền Bắc: dùng dây buộc vào hai ngón chân cái để kẹp giữ thân cột, kết hợp tay bám và chân quắp rồi leo lên từng chút một.

Leo được nửa chừng, cả tay lẫn chân đều rã rời, ông Lãi phải dừng lại lấy sức, rồi tiếp tục cố gắng. Khi lên đến gần đỉnh, ông mới kéo được đầu dây cáp xuống, móc lá cờ lớn vào và từ từ kéo lên. Lá cờ một lần nữa tung bay trong gió, rực rỡ giữa bầu trời Dinh Độc lập.

Sau 50 năm nhìn lại, những dấu ấn tuổi trẻ gắn với năm tháng hoạt động đầy cam go ấy luôn in đậm trong trí nhớ ông Lãi như mới ngày hôm qua.

Ở Trại Davis, trong phái đoàn bốn bên, các anh em chiến sĩ sống gắn bó như ruột thịt. Theo ông, đó thực sự là một ngôi trường đào tạo nên nhân cách và bản lĩnh cho mỗi người.

“Thời chiến, việc hy sinh, che chắn cho nhau trước hòn tên mũi đạn là chuyện bình thường. Nhưng càng về sau, nghĩ lại những tháng ngày đó, tôi mới thấm thía: có lẽ không còn thời điểm nào con người gắn bó sâu sắc với nhau như lúc ấy được”, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi khẳng định.

Phương Thảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-uc-dang-nho-cua-chien-si-dau-tien-treo-co-giai-phong-312685.html