Hồi ức 'Hạnh phúc ngày trở về' của cựu tù Phú Quốc
VOV.VN -Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng các chiến sỹ cộng sản vẫn không khuất phục, không chịu làm tay sai cho địch và tìm mọi cách để trở về tiếp tục chiến đấu.
Nhà tù Phú Quốc - sau được đổi tên thành Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc - là nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Tháng 3 này là vừa tròn 50 năm các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày tại đây được trao trả theo Hiệp định Paris.
Trong những ngày này, những cựu tù binh của Nhà tù Phú Quốc không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ lại một thời đấu tranh gian khổ, sinh tử chỉ trong gang tấc nhưng rất đỗi hào hùng với niềm tin vào ngày chiến thắng.
Nhìn bề ngoài, khó có thể hình dung được đây là nơi được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai xây dựng để giam cầm gần 40.000 lượt tù binh và là nơi thấm đẫm máu của gần 4.000 liệt sĩ bị địch sát hại.
Ông Mai Văn Bé (SN 1949) - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang cho biết: ông bị thương và bị bắt trong đợt tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968. Địch giam ông ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc cho đến khi được trao trả năm 1973.
Trong tù, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng các chiến sỹ cộng sản vẫn không khuất phục, không chịu làm tay sai cho địch và tìm mọi cách để trở về tiếp tục chiến đấu.
Ông Bé nhớ lại, ngay từ khi bị bắt vào tù, ông đã nghĩ đến việc móc nối với tổ chức Đảng trong khu giam giữ và ông đã đứng ra xây dựng lực lượng trong nhà tù, tham gia nhiều cuộc đấu tranh và từng đứng đầu một chi bộ trong khu giam giữ.
"Là đảng viên ở trong nhà tù phải biết làm công tác quần chúng để bảo vệ Đảng trong tù. Khi tôi bị địch bắt, ở trong tù thì phần lớn là quần chúng. Công tác dân vận của mình không khéo thì quần chúng không theo mình và không làm theo ý của Đảng được nên vì thế đặt lên hàng đầu là là công tác vận động quần chúng của một người đảng viên", ông Mai Văn Bé kể lại.
Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, các cựu tù đã tổng kết, địch dùng hơn 45 kiểu tra tấn dã man từ thời trung cổ đến hiện đại, như đánh tù binh bằng chày vồ, dùi cui, roi cá đuối, bẻ răng, đục lấy xương bánh chè, nướng sắt đỏ đâm xuyên qua người; rồi nhốt tù binh trong những “chuồng cọp” để ngoài trời.
“Chuồng cọp” được làm bằng dây kẽm gai, đan chằng chịt chung quanh và trên nóc, không có mái che, cao từ 0,5 - 0,8 m, phần dưới nền cát, đất hoặc đá dăm cạnh nhọn hoặc sỏi... Mùa nắng, tù binh nằm giữa trời phải chịu đựng cái nắng chói chang bỏng da rát thịt từ sáng đến tối; còn khi mưa, tù binh bị ngâm trong nước, nước mưa thấm vào vết thương....đau, buốt đến tận xương tủy.
Không chỉ dùng các hình thức tra tấn, bọn chỉ huy Trại giam còn ra lệnh cho cấp dưới nổ súng vào trại giam làm nhiều tù binh chết và bị thương. Theo Ban Liên lạc, địch đã nhiều lần nổ súng vào tù binh không một tấc sắt hay vũ khí. Trong cuộc chiến với súng đạn, đòn thù này, người chiến sỹ trong tù chỉ có sức mạnh của ý chí, lòng tin vào lý tưởng, lòng tin vào thắng lợi của cách mạng.
Ông Phù Xí Khiếu (SN 1948), ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đi bộ đội năm 1968, bị địch bắt tháng 11/1971 khi đang chiến đấu ở chiến trường Phú Quốc, và được trao trả năm 1973. Ông bị giam giữ ở phân khu 4, dù bị địch hành hạ dã man, nhưng ông và đồng đội vẫn đấu tranh với bọn chiêu hồi, động viên nhau chờ ngày trở về.
"Chúng tôi động viên nhau cố gắng đừng khai gì hết, không bất mãn, tương lai mình sẽ về, cứ động viên với nhau xoay vòng như vậy", ông Phù Xí Khiếu nhớ lại.
Mặc dù ở trại giam, địch bố trí phòng thủ, canh gác chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt nhưng vẫn không ngăn được cán bộ chiến sỹ ta vượt ngục bằng nhiều hình thức như vượt rào, đào hầm vượt trại, chui gầm xe chở nước, nằm trong thùng rác, đi làm bên ngoài đánh quân cảnh cướp súng...
Không giống như nhiều trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Mỹ (tên trong chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản, bí danh thường gọi là Ba Toản), ở thị trấn Dương Đông TP Phú Quốc, là sĩ quan đặc công nên đã được đào tạo kỹ thuật bài bản.
Sau khi bị bắt, ông dò xét tìm hiểu kỹ lưỡng tình tình tại nhà tù và lên kế hoạch vượt ngục. Vào đêm 22/6/1968, ông chỉ huy nhóm 5 người cùng vượt ngục. Để tránh sự truy bắt của kẻ địch, nhóm vượt ngục của ông chỉ di chuyển vào ban đêm. Ngày nay, nghe kể lại thì cuộc vượt ngục của ông có lẽ chỉ có trên phim ảnh. Ông Ba Toản năm nay tuổi đã cao, ngoài 83 tuổi, nhưng mỗi khi kể về thời gian chiến đấu thì ông trở nên hoạt bát hẳn.
"Mình được đào tạo kỹ thuật, chiến thuật đầy đủ nên cũng không có gì khó, nguy hiểm đấy nhưng phải làm thôi, vượt ngục kéo theo được 6 người. Đêm chúng bao vây luôn chứ không đợi đến sáng, đem theo cả ngàn quân bao vây. Nếu đi thì chết ngay, chó phục kích nhiều chặng trên đường, trên đầu. Chúng tôi làm theo đúng cách của mình thì thành công, 6 người đều vượt ngục", ông Ba Toản kể.
Sau một tuần, ông Ba Toản và đồng đội về tới căn cứ và đã ở lại chiến đấu tại đảo cho đến ngày giải phóng. Ông được tổ chức phân công thành lập phân đội đặc công và huấn luyện kỹ thuật đặc công cho các chiến sỹ. Đây cũng là phân đội đặc công đầu tiên ở đảo, lấy phiên hiệu là Phân đội 22 (hay Đội 22) chuyên đi đánh đồn, đánh bốt, phá kìm, diệt giặc.
Phân đội 22 tuy mới thành lập, vũ khí trang bị ít nhưng đã lập nhiều chiến công, tiêu diệt nhiều quân địch. Với tinh thần tự lực, tự cường đấu tranh với địch, anh em trong đội còn tổ chức sản xuất, trồng lúa, trồng khoai mì, chăn nuôi lợn, gà để tự lo cho mình và làm được kho dự trữ chuẩn bị cho anh em tù binh vượt ra sử dụng.
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhằm tri ân những anh hùng liệt sỹ đã đấu tranh anh dũng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có những cựu tù binh cộng sản bị bị địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc, ngày 26/3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” để gặp mặt, tri ân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.
Thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh hào hùng, anh dũng của các thế hệ cha anh, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hoi-uc-hanh-phuc-ngay-tro-ve-cua-cuu-tu-phu-quoc-post1009677.vov