Hội viên danh dự của Hội phụ nữ không phân biệt giới tính, quốc tịch
Chiều 27/4, tại Hội nghị tập huấn, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã giới thiệu Điều lệ và dự thảo hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII.
Điều lệ Hội LHPN Việt Nam được Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII thông qua ngày 11/3/2022. Đây là văn bản có tính pháp lý quan trọng, quy định những nguyên tắc cơ bản, định hướng tổ chức và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ.
Về điều kiện trở thành Hội viên danh dự, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, tại Điều 3 về Hội viên danh dự được bổ sung, sửa đổi như sau: Hội viên danh dự là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, quốc tịch, đang cư trú và làm việc tại Việt Nam, có uy tín, tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được cấp có thẩm quyền công nhận là hội viên danh dự.
Với những bổ sung, sửa đổi này, dự thảo hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII cũng có thay đổi ở Khoản 2, Điều 3 như sau: Hội viên danh dự là những người có uy tín; có tầm ảnh hưởng; có khả năng tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của phụ nữ; có đóng góp tích cực về tinh thần và vật chất trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội.
Quy trình công nhận Hội viên danh dự như sau: Hội LHPN các cấp phát hiện, báo cáo Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ cùng cấp; Gặp gỡ, nắm nguyện vọng; Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ cùng cấp ra Quyết định công nhận và tổ chức trao Quyết định công nhận. Trường hợp đặc biệt do Đoàn Chủ tịch xem xét, quyết định.
Công tác quản lý Hội viên danh dự: Theo dõi và lập danh sách riêng, không tính vào tỷ lệ tập hợp hội viên. Cấp nào ra quyết định công nhận cấp đó quản lý.
Về việc thôi là Hội viên danh dự: Căn cứ cho thôi khi không còn nguyện vọng; Khi có quyết định kỷ luật hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Cấp nào ra quyết định công nhận thì cấp đó ra quyết định thôi công nhận.
2 điều mới trong Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, Điều lệ khóa XIII có bổ sung 2 điều mới. Cụ thể:
Điều 22: Ủy ban Kiểm tra. Mục đích là nâng cao chất lượng, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của Ủy viên BCH trong kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm; bảo đảm đồng bộ với các đoàn thể chính trị xã hội khác (hiện còn duy nhất Hội LHPN trong khối đoàn thể chính trị - xã hội chưa thành lập Ủy ban Kiểm tra).
Điều 26: Tài sản của Hội. Mục đích là khẳng định quyền và trách nhiệm của Hội về tài sản.
Ngoài ra, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII còn một số điều bổ sung, sửa đổi cơ bản. Cụ thể:
Điều 8: Bổ sung thêm nhiệm vụ của tổ chức thành viên (điểm e khoản 4): Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác Hội và phong trào phụ nữ cùng cấp.
Điều 19: Bổ sung Khoản 3 và 4:
- Khoản 3: Đối với một số địa phương, đơn vị đặc thù, nơi không có đơn vị hành chính cấp cơ sở và tương đương thì chi hội được coi tương đương Hội LHPN cấp cơ sở.
- Khoản 4: Hội LHPN các cấp có thể thành lập các tổ chức Hội cơ sở đặc thù theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… thuộc sự quản lý, điều hành của ĐCT hoặc BTV Hội LHPN cùng cấp
Điều 24: Nâng mức hội phí lên 2.000đ/hội viên/tháng.
Theo đó, dự thảo hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII cũng có một số điểm mới cần hướng dẫn cụ thể và tiếp tục thảo luận cho ý kiến. Cụ thể là các nội dung: Hội viên danh dự; Mối quan hệ giữa Hội với tổ chức thành viên; Vấn đề thành lập mới, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức Hội; Vấn đề thay thế đại biểu; Hình thức tổ chức Đại hội; Vấn đề bầu bổ sung/thôi Ủy viên BCH, ĐCT/BTV và các chức danh chủ chốt; Bầu cử trong trường hợp Đại hội/Hội nghị trực tuyến; Về tổ chức Hội cấp cơ sở; Công tác kiểm tra, giám sát và vấn đề lập UBKT; Vấn đề hội phí.