Hội viên nông dân làm kinh tế giỏiTin khácNgành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triểnĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Cao, thôn Nà Phước, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Cao sinh năm 1965, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu trông chờ vào cây lúa, cây ngô.

Năm 2016, qua tìm tòi, học hỏi, ông đã mạnh dạn cải tạo hơn 2 ha đất đồi trọc của gia đình để trồng thông và keo. Trong quá trình cải tạo đất, loại bỏ cây tạp, gia đình ông để lại cây ngũ gia bì để nuôi ong lấy mật, thời điểm đó, gia đình ông chỉ nuôi 10 đàn ong, tuy nhiên, thùng ong được chế tạo từ những cây gỗ mục, khi thu hoạch mật thì chủ yếu dùng khăn vải để vắt lấy phần có mật nên hiệu quả không cao.

Ông Hoàng Văn Cao chăm sóc vườn bưởi

Ông Hoàng Văn Cao chăm sóc vườn bưởi

Ông Cao chia sẻ: “Năm 2017, tôi tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua các chuyến tham quan thực tế do xã tổ chức, bản thân tôi đã tìm hiểu cách đóng thùng nuôi ong, máy quay mật và bình xịt khói dùng để quay mật và chăm sóc ong. Đồng thời tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua các vật dụng nuôi ong và đầu tư nuôi thêm 10 đàn ong. Cũng trong năm 2017, tôi tham gia Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy. Từ khi tham gia hợp tác xã, tôi học hỏi được thêm rất nhiều kinh nghiệm về nuôi ong. Cùng đó sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, gia đình ông tăng dần đàn ong, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông luôn duy trì từ 80 đến 100 đàn. Theo tính toán của ông, trung bình 1 đàn ong cho thu 10 lít mật/năm, với giá bán 300 nghìn đồng/lít mật hoa rừng; 500 – 600 nghìn đồng/lít mật ngũ gia bì, một đàn ong cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/năm. Như vậy, nhờ nuôi ong, mỗi năm, gia đình ông thu nhập 300 triệu đồng.

Ngoài việc nuôi ong lấy mật, gia đình ông tiếp tục phát triển kinh tế đồi rừng, năm 2019, gia đình ông cải tạo thêm 2 ha đất rừng để trồng keo nâng tổng diện tích cây lâm nghiệp của gia đình lên 4 ha. Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Cùng với đó, từ năm 2011, trên diện tích đất quanh nhà, gia đình ông đã cải tạo trồng 2 sào bưởi Diễn (khoảng 100 gốc). Hiện cây đã cho thu hoạch năm thứ 5, trung bình đem lại thu nhập 100 triệu đồng/năm. Với mô hình kinh tế tổng hợp, từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Thủy cho biết: Ông Hoàng Văn Cao là hội viên nông dân năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, gia đình, ông còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Năm 2020, gia đình ông đã hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho 10 thành viên trong Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy phương pháp tách đàn, cách chăm sóc ong vào mùa đông.

Với những nỗ lực của bản thân, tháng 11/2021, ông vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.

HIỂU LAM

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/470647-hoi-vien-nong-dan-lam-kinh-te-gioi-4.html