Hôm nay (22-9) khai mạc kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội: Giải quyết nhiều vấn đề dân sinh
Kỳ họp thứ hai HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ khai mạc hôm nay, 22-9. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, bên cạnh đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều vấn đề dân sinh còn vướng mắc đã được phản ánh tới nghị trường. Do đó, kỳ họp lần này bám sát, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri tại thị xã Sơn Tây trước kỳ họp thứ hai.
Nhiều kiến nghị về quy hoạch, đất đai, xây dựng
Trước kỳ họp, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên 11 địa phương đã phải hoãn việc tiếp xúc cử tri nhưng các tổ đại biểu HĐND thành phố vẫn có hình thức thích hợp để tiếp nhận các ý kiến góp ý. Tổng cộng đã có 274 ý kiến, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực về cơ chế chính sách, quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giao thông, đô thị, nông nghiệp… gửi đến kỳ họp.
Về vấn đề cơ chế chính sách, theo cử tri các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm ở cấp xã gồm: Bí thư đảng ủy hoặc phó bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND còn thấp. Trong khi đó, cử tri các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy và Hoàng Mai cho rằng, hiện nay mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10-9-2019 của HĐND thành phố Hà Nội cũng rất thấp, việc điều chỉnh giảm mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách là chưa phù hợp. Qua đó, cử tri đề nghị xem xét tăng mức phụ cấp cho các đối tượng trên để bảo đảm cuộc sống.
Liên quan đến chính sách về đất đai, cử tri thị xã Sơn Tây đề nghị thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm tiến độ của các dự án. Bên cạnh đó, cần có văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993 đến nay, không thuộc quỹ đất công, công ích, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa được cấp.
Đối với nhóm vấn đề quy hoạch, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, cử tri các huyện: Thanh Trì, Phúc Thọ, Thanh Oai đề nghị thành phố sớm số hóa bản đồ mốc giới các vùng giáp ranh giữa các xã với xã, các quận, huyện, thị xã; tăng cường quản lý đất đai, tránh vi phạm mà chưa có bên chủ quản để xử lý theo quy định. Ngoài ra, cần thực hiện đăng ký biến động, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất theo hệ bản đồ mới cho các hộ gia đình, cá nhân để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ...
Theo cử tri Hoàng Thị Thịnh (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), hiện nay, các thủ tục đăng ký biến động, chuyển nhượng... đang bị dừng lại do không phù hợp với hệ bản đồ cơ sở dữ liệu mới. Việc sớm số hóa các bản đồ mốc giới sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Cử tri huyện Phúc Thọ cũng đề nghị thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm mật độ xây dựng... Đặc biệt, cần quan tâm, tạo điều kiện ưu tiên về kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cho các huyện để phát triển kịp với các quận, huyện gần trung tâm thành phố.
Thông qua một số nghị quyết chuyên đề
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, các vấn đề cử tri kiến nghị là chính đáng và Thường trực HĐND thành phố đã gửi các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Đặc biệt, Thường trực HĐND thành phố đã gửi 15 câu hỏi xoay quanh các vấn đề cử tri nêu yêu cầu UBND thành phố trả lời bằng văn bản tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố.
“Kỳ họp này, ngoài ban hành các nghị quyết thường kỳ, HĐND thành phố sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết chuyên đề, gồm: Điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021; chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Đáng lưu ý, HĐND thành phố cũng sẽ xem xét Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Trước các nội dung của kỳ họp, ông Đỗ Mạnh Tuân (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) rất quan tâm đến việc trả lời kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố được cá nhân ông chú ý hơn cả bởi qua đó sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc cải tạo hàng trăm chung cư cũ có thể triển khai sớm, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, kỳ họp dự kiến sẽ xem xét 15 báo cáo và 18 nghị quyết, gồm các nghị quyết về: Tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2021 của thành phố; chương trình giám sát của HĐND thành phố năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 thành phố Hà Nội...