Hôm nay 25/5, Quốc hội thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH
Hôm nay 25/5, Quốc hội thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội…; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây...
Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung trên.
Sau đó, từ 15 giờ 00, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
* Về Nghị quyết số 43/2022/QH15: Đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trước bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2023/QH15 và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết đã tạo động lực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với nhiều kết quả quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện đời sống của hân dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. GDP trong năm 2022 tăng 8,02%, năm 2023 tăng 5,05%. Thu ngân sách vượt dự toán, cân đối ngân sách được bảo đảm, thu ngân sách năm 2022 vượt 28,6% dự toán, năm 2023 vượt 8,12% dự toán.
Nợ công trong nước ở mức an toàn, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất cho vay giảm. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp miễn, giảm giá, hạn chế vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ tốt cho đời sống của nhân dân sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số 130,7 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình bố trí cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì hiện đã giao chi tiết 130,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,6% nguồn lực, trong đó bố trí khoảng 82,1 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, bổ sung nguồn lực lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, liên vùng.
Đến ngày 31/1/2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân trong kế hoạch năm 2023 đạt 65% kế hoạch và cũng không còn vướng mắc nào trong triển khai các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng.
* Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sáng 22/5, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án cho biết, đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc bắc-nam phía tây. Đây là trục giao thông quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
“Việc đầu tư cao tốc sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư dự án cũng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua; phù hợp với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch khác có liên quan, kế hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương.
Về phạm vi đầu tư, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, Dự án có chiều dài khoảng 128,8 km, trong đó tuyến đi qua địa phận Đắk Nông dài 27,8 km; qua địa phận Bình Phước 101 km.
Cao tốc có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).
Về giải pháp thiết kế, công nghệ áp dụng, Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh. Tốc độ thiết kế đạt 100-120 km/h.
Cao tốc được phân chia thành 4 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT). Các dự án thành phần khác thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước được triển khai theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư, Bộ trưởng cho biết tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án ước tính sơ bộ khoảng 1.111 ha. Số hộ dân ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ.
Về tiến độ và thời gian thực hiện, giai đoạn chuẩn bị dự án sẽ diễn ra trong giai đoạn 2023-2024, thi công từ năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
* Về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, sáng 22/5, trình bày Tờ trình với Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về căn cứ, cơ sở điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nêu rõ, căn cứ vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc cùng các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan; căn cứ Nghị quyết số 100/2023/QH15 thông qua ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, tại mục 2.2 đối với lĩnh vực công tác dân tộc.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì Chương trình phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình.
Về quy định nguồn vốn của Chương trình, theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, nguồn vốn của Chương trình được bố trí từ ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình trong những năm qua gồm cả nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp, đã được Quốc hội quyết định và Chính phủ giao nguồn vốn hàng năm. Do vậy chưa đảm bảo thống nhất giữa chủ trương đầu tư với các nghị quyết phân bổ vốn của Quốc hội và quyết định phân phổ vốn hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.
Về xác định đối tượng, địa bàn thực hiện đầu tư của một số dự án thuộc Chương trình gồm dự án 4, dự án 5, dự án 6, dự án 7. Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: “Xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người DTTS; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình, theo báo cáo đề xuất của các tỉnh và một số bộ ngành, chủ các chương trình và dự án thành phần liên quan, có 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc, 101 cơ sở giáo dục gồm các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và cấp tỉnh, 3 cơ sở y tế tuyến huyện đang phục vụ trực tiếp cho 42 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự kiến có 72 di tích lịch sử quốc gia được đề nghị tu bổ và tôn tạo….
Qua rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở nêu trên còn thiếu thốn, cần sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, do đó gặp khó khăn trong xác định các danh mục đầu tư, lập thẩm định kế hoạch vốn, bố trí vốn và thanh quyết toán trong quá trình thực hiện Chương trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định, bố trí vốn cho các đối tượng nêu trên với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.142 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương.