Hôm nay 26/11, Quốc hội dành cả ngày nghe, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, khiếu nại tố cáo, thông qua 3 luật

Quốc hội dành cả ngày nghe, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, khiếu nại tố cáo, thông qua 3 luật sửa đổi: Công chứng; Quy hoạch đô thị và nông thôn; Thuế giá trị gia tăng…

Quốc hội họp tại hội trường ngày 25/11.

Quốc hội họp tại hội trường ngày 25/11.

Dự kiến, ngày 26/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung:

(i) Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

(ii) Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

(iii) Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024;

(iv) Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024;

(v) Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.

Cuối giờ chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Về công tác phòng, chống tham nhũng, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đánh giá cao và cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng...

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành còn ít…

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; khẩn trương khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng…; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-2611-quoc-hoi-danh-ca-ngay-nghe-thao-luan-ve-cong-tac-phong-chong-toi-pham-tham-nhung-kieu-nai-to-cao-thong-qua-3-luat-295112.html