Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật tác động lớn hệ thống an sinh xã hội-Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hôm nay 27/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường thảo luận về dự thảo luật tác động lớn hệ thống an sinh xã hội-Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường thảo luận về dự thảo luật tác động lớn hệ thống an sinh xã hội-Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

* Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đánh giá là dự án Luật lớn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, tác động đến đông đảo người dân. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, cử tri mong muốn bổ sung các quy định mang tính chia sẻ, có chính sách hỗ trợ người lao động và có giải pháp tổng thể bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo bài viết của ThS. Đặng Thị Thu Hiền, Chuyên viên chính Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và vừa được trình lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 27/3/2024).

Qua hơn 07 năm thi hành1, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như:

(i) diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; (ii) tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; (iii) chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; (iv) một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay;

(v) tỉ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu; (vi) đặc biệt là tỉ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần tăng nhanh trong các năm gần đây… Bài viết đi sâu về BHXH một lần trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, những vấn đề đặt ra tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

* Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động cho thấy, người hưởng BHXH một lần là người lao động trẻ - đây là người đang trong giai đoạn có trách nhiệm tài chính đối với gia đình rất lớn nhưng cũng là đối tượng mong muốn được tham gia BHXH lâu dài để hưởng chế độ hưu trí và cũng là đối tượng có cơ hội quay lại tham gia BHXH vì thời gian lao động còn dài.

Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra nguyên nhân số lượng người nhận BHXH tăng cao trong thời gian qua, như: (i) không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm; (ii) tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh COVID-19; (iii) thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp; (iv) lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Dự thảo Luật được Chính phủ trình 2 phương án. Theo Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sự khác biệt của dự thảo Luật với quy định hiện hành là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...).

Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên. Trong khi đó, nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Theo Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 2 phương án nêu trên, vì “chưa có độ chín”.

* Tham khảo kinh nghiệm các nước có tỉ trọng người sau độ tuổi lao động hưởng chế độ hưu trí cao đều có quy định về trợ cấp gia đình như Nhật, Australia, Canada. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2020 có 114 nước trên thế giới đã triển khai chế độ gia đình trẻ em, trong đó có 45 nước cung cấp bằng BHXH.

Đây là chính sách ngoài ý nghĩa đảm bảo hỗ trợ cha mẹ lao động nuôi con, còn có tác động đến việc khuyến khích việc sinh con, có lẽ là một yếu tố đáng để nghiên cứu trong bối cảnh mức sinh Việt Nam đang giảm liên tục trong những năm qua, đưa đến các hệ lụy trong tương lai về thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi.

Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia gần như duy nhất cho rút BHXH một lần tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tham gia thị trường lao động, thì giải quyết vấn đề này cần một chính sách mang màu sắc riêng của Việt Nam.

Chế độ trợ cấp gia đình bên cạnh việc tạo khuyến khích để người lao động không rút BHXH một lần, còn có ý nghĩa quan trọng khác thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH: bao gồm cả mở rộng diện bao phủ BHXH, mở rộng các chế độ ngắn hạn và đảm bảo cân đối tài chính quỹ BHXH trong trung hạn và dài hạn.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-275-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-tac-dong-lon-he-thong-an-sinh-xa-hoi-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-272742.html