Hôm nay (7-1), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, hôm nay, ngày 7-1, Quốc hội tiếp tục làm việc, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình làm việc hôm nay (7-1):
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam;
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về:
(1) Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
(2) Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
* Hôm qua, thứ Sáu, ngày 6-1-2023, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 2 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng
* Từ 8 giờ đến 10 giờ 30: Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* Từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30: Quốc hội thảo luận ở tổ về:
(1) Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
(2) Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về chuyên môn kỹ thuật; các trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quyền, nghĩa vụ của người bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn giấy phép hành nghề; điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
Điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế; lộ trình thực hiện một số quy định của dự thảo luật...
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.