Hôm nay giá xăng dự kiến tăng, sẽ hết cảnh khách hàng nhiều nơi 'có tiền cũng không mua được'?
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được dự báo tăng mạnh với giá xăng có thể tăng tối đa 300 đồng/lít và giá dầu tăng tối đa 2.100 đồng/lít.
Theo OilPrice, vào lúc 9g sáng nay, giá dầu thô Brent ở mức 96,18 USD/thùng, giảm nhẹ 0,01 USD/thùng so với hôm qua. Tương tự, giá dầu ngọt WTI cũng giảm nhẹ với mức 0,06 USD/thùng và đang giao dịch ở mức 91,07 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt sau khi đạt mức đỉnh cao nhất trong vòng 5 tuần vào ngày giao dịch 7/10. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư lo ngại các đám mây bão kinh tế có thể báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Đồng thời, giá dầu cũng gặp khó khăn khi đồng USD đang mạnh lên và tăng phiên thứ tư. Đầu phiên giao dịch hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,38%, đạt mốc 113,18. Giá USD tăng lên kéo theo giá dầu thô đắt hơn đối với những người không phải là người Mỹ.
Tại thị trường trong nước, sáng nay, giá xăng E5 là 20.730 đồng/lít; giá xăng RON95 là 21.440 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 22.200 đồng/lít; dầu hỏa có giá bán tối đa là 21.680 đồng/lít và dầu mazut ở mức 14.090 đồng/kg.
Tính từ đầu năm 2022 tới nay, giá các mặt hàng xăng dầu phổ biến đang ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, những ngày gần đây lại đang xuất hiện tình trạng "có tiền cũng không mua được xăng" hoặc chỉ được mua với mức hạn chế.
Theo Bộ Công thương, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải phổ biến với hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng.
Do đó, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Bên cạnh đó, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thốn.
Trong đó, đến ngày 8/10, Petrolimex tồn kho khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...
Do đó, Bộ Công thương khẳng định, dù có sự thiếu hụt tại một vài nơi nhưng lượng hàng tồn trong kho đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Liên Bộ Công thương – Tài chính cũng đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022.
Điều này sẽ giúp bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu.
Theo một số lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối, vào kỳ điều chỉnh giá hôm nay, giá xăng dự báo có thể tăng từ 200-300 đồng/lít, dầu tăng khoảng 1.900-2.100 đồng/lít. Nếu chi quỹ bình ổn, giá mặt hàng xăng có thể giữ nguyên và dầu có thể tăng ít hơn.