Hôm nay, học sinh nhiều địa phương trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết

Ngày 15/2, học sinh nhiều tỉnh thành bắt đầu đi học trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024.

Nhiều nơi cho học sinh trở lại trường

Theo ghi nhận, ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) có khoảng hơn 20 tỉnh, thành quyết định cho học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Địa phương cho học sinh nghỉ học ít nhất đó là Bắc Giang với 7 ngày, từ 8-14/2 (từ 29 tháng Chạp đến 5 tháng Giêng âm lịch).

Tiếp đến là Hà Nội và Hải Phòng cho học sinh nghỉ Tết 8 ngày, từ 7-14/2 (từ 28 tháng Chạp đến 5 tháng Giêng âm lịch). Thừa Thiên Huế, Nam Định là 9 ngày từ 6-14/2 (từ 27 tháng Chạp đến 5 tháng Giêng âm lịch).

Nhiều địa phương khác như: Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang… cũng đều cho học sinh đi học trở lại vào hôm nay 15/2 nhưng học sinh được nghỉ trước Tết sớm hơn (thường từ 5 - 6/2).

Lào Cai và Hà Giang là hai địa phương cho học sinh nghỉ học dài nhất - 16 ngày, từ 3-18/2 (từ 24 tháng Chạp đến 9 tháng Giêng âm lịch).

Như vậy, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đối với học sinh của các địa phương trên cả nước có sự chênh lệch khá lớn, nơi 7 ngày, nơi 9 - 16 ngày.

Học sinh Hà Nội trở lại trường từ ngày mùng 6 tháng Giêng.

Học sinh Hà Nội trở lại trường từ ngày mùng 6 tháng Giêng.

Lý giải về việc cho học sinh nghỉ Tết muộn, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, học sinh nghỉ quá sớm trong khi công chức, viên chức chưa được nghỉ có thể gây xáo trộn cuộc sống gia đình. Học sinh được nghỉ học sớm trong khi bố mẹ vẫn đi làm, không có ai trông nom các con dễ dẫn tới các tai nạn không mong muốn, đặc biệt Tết đang tới gần.

Còn theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội cho học sinh nghỉ học 8 ngày là phương án đã được Sở GD&ĐT Hà Nội cân nhắc kỹ và tính đến nhiều tình huống nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh. Nếu cho học sinh nghỉ dài hơn thì nhiều gia đình, nhất là với các gia đình có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học sẽ rất khó khăn khi không có người trông con do bố mẹ đi làm theo lịch chung.

Giúp trẻ phấn khởi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết

Trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nhiều học sinh uể oải, không tập trung, mất tinh thần học tập khiến phụ huynh lo lắng.

Về vấn đề này, cô Vũ Bích Phương - giáo viên Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh về việc con chán nản, không muốn đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, trong mỗi tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, cô Phương sẽ tổ chức 2 hoạt động chính. Đầu tiên, mỗi học sinh sẽ gửi lời chúc cho nhau, chia sẻ kỷ niệm đặc biệt trong kỳ nghỉ các em đã có với gia đình. Hoạt động thứ 2 là hoạt động mà học sinh mong đợi nhất chính là màn nhận lì xì từ cô giáo chủ nhiệm. Điều này sẽ giúp học sinh hứng thú với việc đi học lại.

Với nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, trước mỗi kỳ nghỉ lễ, cô Phương luôn căn dặn phụ huynh cố gắng giữ lại nếp sinh hoạt vốn có thường ngày cho các con. Cụ thể, phụ huynh hãy nhắc con đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. "Muốn con ngủ đúng giờ thì cha mẹ cần cùng con lên kế hoạch, làm sao để con vừa có thể tham gia các hoạt động vui chơi nhưng vẫn có đủ thời gian làm bài tập, chuẩn bị bài cho hôm sau".

Cô Phương cho biết thêm, sự phối hợp, nhắc nhở từ gia đình là rất quan trọng trong việc giúp trẻ hào hứng đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Phía nhà trường, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm, nền nếp sẽ được trở lại ngay từ khi trẻ bắt đầu đi học trở lại.

Còn theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Nga (Trung tâm nghiên cứu tâm lý, giáo dục Thanh thiếu niên), trong những ngày đầu đi học sau Tết, trẻ có thể sẽ lười biếng làm bài tập và ôn bài tại nhà. Do đó, bố mẹ nên ngồi chung với con để sắp xếp lại kế hoạch học tập và ôn lại kiến thức ở trường. Với trẻ mầm non hoặc tiểu học, do trẻ còn nhỏ, đôi khi sự tự giác chưa cao nên cần có sự đồng hành của cha mẹ để thôi thúc học tập. Những câu động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không bị ép buộc, từ đó trẻ sẽ thoải mái trở lại việc học tập hơn.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, thầy cô không nên đặt nặng việc dạy kiến thức ngay trong tuần đầu đi học trở lại. Thầy cô có thể chọn nội dung các môn nhẹ nhàng như Công nghệ, Đạo đức, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc... để học sinh dần bắt nhịp học trở lại, rèn thói quen, hứng thú học tập trở lại.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hom-nay-hoc-sinh-nhieu-dia-phuong-tro-lai-truong-sau-ky-nghi-tet-16924021506094792.htm