Hôm nay, hơn 106.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10
Hôm nay, thí sinh tại Hà Nội bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với hai môn thi Ngữ văn và Ngoại ngữ. Hôm qua, nhiều thí sinh dù đau ốm, gãy tay vẫn cố nén đau đến điểm thi. Ngoài cổng trường, nhiều phụ huynh chia sẻ sự lo lắng, áp lực đến mất ăn mất ngủ khi Hà Nội có quá ít trường công, số học sinh được chọn vào trường công ít.
Nguyễn Khánh Duy, học sinh Trường THCS Phú La, quận Hà Đông là một trong 10 thí sinh đặc biệt, gặp vấn đề sức khỏe trong kỳ thi năm nay. Hôm qua, Duy trong tình trạng cánh tay phải buộc dây treo vào cổ và được bố mẹ đưa đến điểm thi cùng một học sinh lớp 8, được nhà trường lựa chọn sẽ là người chép bài hộ trong suốt kỳ thi.
“Khi bị thương em vừa đau vừa hốt hoảng nhưng khi biết chắc chắn sẽ vẫn được thi nên đã thoải mái, yên tâm hơn phần nào. Em và bạn chép hộ bài thi đã có thời gian tập dượt 1-2 buổi để làm quen”, Duy nói.
Ông Nguyễn Trung Trực, bố Duy cho biết, trước kỳ thi chừng chục ngày, con không may bị ngã gãy xương đòn vai bên phải khiến tay không thể cử động. Đáng lẽ ra, con sẽ phải mổ nhưng vì ngày thi cận kề nên gia đình có nguyện vọng hoãn lịch mổ chờ con thi xong mới tiến hành.
Trong suốt những ngày thi, ông Trực và vợ sẽ nghỉ việc để chăm sóc, đưa đón con đi thi. Duy đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) và nguyện vọng 2 là Trường THPT Chương Mỹ B. “Thi cử ai cũng áp lực nhưng thấy cháu cố gắng, quyết tâm nên bố mẹ đồng hành hỗ trợ. Dù thế nào gia đình cũng xác định cho con học tiếp nên sau khi có kết quả thi, không đỗ trường công cũng sẽ tính phương án khác”, ông tâm sự.
Tại điểm thi Trường THCS Trần Phú, quận Hoàng Mai có hơn 500 thí sinh dự thi cũng có 2 thí sinh gãy tay phải, không thể viết được bài thi. Tuy nhiên, thí sinh cũng được sắp xếp thi ở phòng thi riêng ở ngay tầng 1, thuận tiện di chuyển và bố trí một học sinh chép hộ bài. Toàn bộ quá trình đều có sự giám sát đặc biệt của cán bộ coi thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong hơn 106.000 thí sinh dự thi năm nay có 12 trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe cần được giúp sức, tạo điều kiện dự thi. Trong đó, cả 2 thí sinh dự thi tại Trường THPT Thọ Xuân, huyện Đan Phượng phải kết nối thiết bị để truyền insulin. Bởi hai thí sinh bắt buộc phải truyền loại hormone này 24/24 mới đảm bảo sức khỏe. Để được dự thi, gia đình phải đưa thiết bị đến điểm thi trước đó để lực lượng an ninh kiểm tra và niêm phong. Tới mỗi buổi thi, thí sinh sẽ được cán bộ coi thi mang thiết bị tới và thi xong để lại điểm thi. Người nhà thí sinh cũng phải túc trực ở cổng điểm thi để phòng các tình huống có thể xảy ra.
Nên có thêm trường công
Chị Đặng Thị Tuyết, có con học ở Trường THCS Đồng Mai, quận Hà Đông cho biết, những ngày cận kề kỳ thi, con chị học đến 2-3 giờ sáng mới chịu đi ngủ.
“Thấy con học đến gầy rộc cả người nên tôi xót lắm nên cũng thức đợi con. Nhưng con không học còn lo lắng, áp lực hơn bởi vì tôi làm công nhân, không có tiền cho học trường tư với học phí đắt đỏ cũng như phải nộp nhiều khoản khác”, chị nói.
Một phụ huynh khác cũng chia sẻ rằng, để chuẩn bị cho kỳ thi, cả con lẫn bố mẹ lắm phen mất ăn, mất ngủ vì phải học thêm quá nhiều. Các đợt kiểm tra trên lớp, dù điểm số tăng dần từ 38-42 nhưng chưa chắc suất nguyện vọng 1 nên có ngày con học 4 ca, ở các trung tâm luyện thi đến 10 giờ đêm. Thành phố Hà Nội nên đầu tư xây thêm trường công lập ở bậc THPT, không nên để tình cảnh thiếu trường công như hiện nay khiến học sinh, phụ huynh rất khổ”, phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Luyến có con dự thi tại điểm thi THCS Yên Nghĩa cho biết, nhà cách chừng 20 cây số nên buổi sáng phải dậy sớm, đi thi từ 5 giờ 30 phút sáng, tránh tắc đường.
Hôm nay, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn (hình thức tự luận, thời gian 120 phút) và Ngoại ngữ (hình thức trắc nghiệm, thời gian 60 phút). Ngày mai, thí sinh thực hiện bài thi môn Toán, kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên.