Hôm nay, Tổng bí thư dự kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác dạy
Sáng 6/3, Lễ kỷ niệm 75 năm Công an Nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, 75 năm Ngày truyền thống Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023) được tổ chức tại Hà Nội.
Theo chương trình, sáng nay (6/3), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Công an Nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, 75 năm Ngày truyền thống Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Chương trình do Bộ Công an tổ chức, được truyền hình trực tiếp vào lúc 9h trên các kênh VTV1 và truyền hình Công an nhân dân (ANTV).
Chương trình giúp cho cán bộ, chiến sĩ công an và nhân dân nhận thức sâu sắc về nội dung, ý nghĩa khoa học và tầm quan trọng của Sáu điều Bác Hồ dạy; Phát huy bản chất, danh dự, truyền thống tốt đẹp của Công an Nhân dân Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chương trình sẽ tôn vinh các tập thể, cá nhân của công an đã có thành tích xuất sắc trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.
Đầu năm 1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng CAND.
Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, ông Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu XII đã viết thư kính gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948).
Trong thư, ông Hoàng Mai báo cáo với Bác về niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu – Đông năm 1947; đồng thời có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho CBCS Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 11/3/1948, Bác Hồ đã có thư gửi Giám đốc Sở Công an Khu XII, trong thư Bác dạy:
“… Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Những nội dung ngắn gọn, súc tích trong thư Bác Hồ gửi Giám đốc Sở Công an Khu XII, nhất là Sáu điều Bác dạy CAND đã khái quát toàn diện hình ảnh người công an cách mạng với những phẩm chất đặc trưng mà rất đỗi bình dị, sống có lý tưởng trong sáng, có lập trường tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
75 năm qua, Sáu điều dạy của Bác về “Tư cách người Công an cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị và luôn có tính thời sự sâu sắc, nhất là vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.