Hôm nay, Việt Nam đón 'trăng hồng' với 2 điều hiếm thấy

'Trăng hồng' đạt độ tròn tuyệt đối vào ngày 13-4 theo giờ Việt Nam và là một 'micromoon' vì rơi vào điểm viễn địa trên quỹ đạo.

Theo Space.com, "trăng hồng" tháng tư sẽ là phiên bản trái ngược của các siêu trăng: Nó sẽ là trăng tròn xa nhất, nhỏ nhất và mờ ảo nhất của năm 2025, một "micromoon" hiếm thấy.

Và nó không cô đơn trên bầu trời. Song hành với trăng hồng sẽ là "nàng tiên xanh" ma quái Spica của chòm sao Xử Nữ.

Một micromoon (trái) được đem so sánh với một siêu trăng. Trăng hồng tháng 4-2025 sẽ là một micromoon tương tự - Ảnh: NASA

Một micromoon (trái) được đem so sánh với một siêu trăng. Trăng hồng tháng 4-2025 sẽ là một micromoon tương tự - Ảnh: NASA

Theo tính toán của trang theo dõi thiên văn Time and Date, trăng hồng sẽ đạt độ tròn tuyệt đối vào lúc 7 giờ 22 phút sáng 13-4 theo giờ Việt Nam. Vì vậy bạn có thể quan sát nó hoàn hảo nhất vào buổi tối cùng ngày.

Dữ liệu từ Dự án Kính viễn vọng ảo cho hay vào đêm trăng tròn lần này, Mặt Trăng sẽ cách xa Trái Đất tận 406.000 km.

Điều này là do thiên thể này đã đi vào điểm viễn địa trong ngày đạt độ tròn tuyệt đối. Điểm viễn địa là điểm xa Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó.

Vì vậy, trăng hồng trông sẽ nhỏ hơn trăng tròn thông thường tận 6% và trông nhỏ hơn hẳn nếu đem so sánh với một siêu trăng.

Trăng tròn tháng tư được gọi là "trăng hồng" không phải vì nó có màu hồng. Tên gọi này xuất phát từ phương Tây, vì tháng tư cũng là thời điểm loài hoa dại phlox có màu hồng rực rỡ nở rộ ở miền Đông nước Mỹ.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhìn thấy trăng tròn tháng tư với màu hồng mê hoặc, nếu chờ đón nó lúc hoàng hôn.

Khi trăng vừa mới mọc, còn treo thấp ở chân trời, hiện tượng "ảo ảnh Mặt Trăng" sẽ khiến thiên thể này mang màu hồng cam huyền ảo, do bạn đang quan sát nó xuyên qua lớp khí quyển dày.

Vào đêm trăng tròn 13-4, chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng ngôi sao Spica tỏa sáng hơn thường lệ.

Được ví như ngọn hải đăng của chòm sao Xử Nữ và là một trong những ngôi sao sáng nhất bầu trời, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy "nàng tiên xanh" Spica khi hướng mắt tìm chòm sao này.

Cách tìm kiếm sao đôi Spica dựa theo chòm sao Đại Hùng (Big Dipper) hình cái gáo múc nước - Ảnh: STAR WALK

Cách tìm kiếm sao đôi Spica dựa theo chòm sao Đại Hùng (Big Dipper) hình cái gáo múc nước - Ảnh: STAR WALK

Thiên văn học hiện đại đã chỉ ra Spica không phải là một ngôi sao mà là ít nhất 2 ngôi sao kề cận nhau, trông như nhập thành một khi quan sát từ Trái Đất.

Chúng cũng thuộc loại "sao khổng lồ xanh", loại sao sáng nhất, nóng nhất trên bầu trời, mang màu xanh lam sáng.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hom-nay-viet-nam-don-trang-hong-voi-2-dieu-hiem-thay-196250413083246688.htm