Hôm nay, xét xử vụ bố mẹ chồng đang sống bị con dâu khai tử
Ngày 23/7, TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên xử vụ án dân sự về việc tranh chấp đòi nhà và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Con dâu khai tử bố mẹ chồng chiếm đất
Liên quan đến vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống, ông Đỗ Văn Hợp (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị An (88 tuổi, vợ ông Hợp) trình bày trong đơn kêu cứu về việc hai ông bà bị Vũ Thị Viễn (là con dâu, trú đường Âu Cơ, phường Nhật Tân) khai tử dù cả hai vẫn còn sống.
Mục đích của Vũ Thị Viễn khi khai tử bố mẹ chồng là để nhận di sản do chồng để lại là một phần ngôi nhà và đất có tổng diện tích hơn 180 m2 ở ven hồ Tây.
Năm 1998, vợ chồng ông Hợp chia cho con trai là anh Đỗ Mạnh Tiến (chồng chị Viễn) 185m2 đất. Năm 2005, anh Tiến qua đời, chị Viễn đã đến Phòng Công chứng số 3, TP Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế. Người thừa kế chỉ có chị Viễn và 2 con gái. Đối với ông Hợp và bà An, người con dâu này khai "đã chết".
Sau đó, Viễn đem bán toàn bộ nhà và đất trên diện tích 180m2 ven hồ Tây cho chị T.H (ở quận Ba Đình). Sổ đỏ mới của ngôi nhà và toàn bộ diện tích mới đứng tên chị T.H.
Đến năm 2015, ông Hợp và bà An mới "té ngửa" khi phát hiện ra con dâu khai mình đã chết, toàn bộ nhà và diện tích đất đã đem bán cho người khác.
Khi ông Hợp viết đơn kêu cứu, chị T.H (chủ mới của ngôi nhà) cũng mới biết vụ việc. Năm 2017, chị T.H. làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà Viễn ra TAND Hà Nội.
Từ đó đến nay, vụ việc đã trải qua hơn chục lần hòa giải và 4 lần ra tòa nhưng HĐXX vẫn chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng.
Vụ án phức tạp
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá trong vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống, để xảy ra chuyện bà V. kê khai bố mẹ chồng đã chết và được chấp thuận trên văn bản nhận di sản thừa kế, là có một phần trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân thời điểm đó.
Video: Con dâu khai tử bố mẹ chồng dù bố mẹ còn sống
Luật sư Cường nhận thấy văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế được lập và công chứng ngày 11/8/2008. Nhưng thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân lại từ ngày 4/7 đến ngày 4/8/2006, nghĩa là trước cả thời gian có văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Do vậy, luật sư đánh giá việc này trái quy định về trình tự, thủ tục niêm yết công khai văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại khoản 3, Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.
Điều đó cho thấy cán bộ tư pháp phường đã có sai sót trong việc niêm yết công khai văn bản thừa kế, từ đó làm cơ sở để bà V. đăng ký sang tên nhà đất và chuyển nhượng sở hữu cho người khác.
Năm 2000, bà V. và chồng là ông Tiến được cơ quan chức năng ở Hà Nội cấp sổ đỏ cho nhà và đất. Trong khi đó, bố mẹ chồng bà V. cho rằng họ chưa chia thừa kế các tài sản này.
Luật sư Cường đánh giá việc cấp sổ đổ cho vợ chồng ông Tiến là không đúng đối tượng và sai trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bố mẹ chồng bà V.
Đối với thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Tiến (đã mất), ông Cường phân tích trong nội dung văn bản thể hiện ông Tiến không còn người thừa kế nào khác, trong khi đó bố mẹ đẻ của ông là cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An còn sống.
Do đó, luật sư cho rằng đây là thiếu sót của công chứng viên, khi làm mất đi quyền thừa kế của những người thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 672 Bộ luật dân sự 1995.