Hơn 1.000 ca tử vong do ngộ độc hóa chất paraquat/năm
Ngộ độc do hóa chất paraquat chiếm tỷ lệ tử vong rất cao, hơn 70% khi uống hoặc tiếp xúc toàn diện bề mặt da với hóa chất này sẽ không có cơ hội sống sót.
Cơ hội sống sót do ngộ độc paraquat chỉ 30%
ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, tỷ lệ ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat rất nghiêm trọng. Năm 2014, riêng Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat; năm 2015 tiếp nhận 350 ca. Đến năm 2016 có tới hơn 450 ca vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc. Tuy nhiên, nếu tính cả nước, thì mỗi năm có hơn 1.000 ca ngộ độc paraquat.
Bác sĩ Nguyên cho biết, tỷ lệ tử vong do ngộ độc hóa chất này rất cao, hơn 70% sau khi được áp dụng phương pháp cấp cứu. Dù được cấp cứu, điều trị cùng các biện pháp hết sức tích cực, nhưng mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 1.000 ca tử vong. Nếu không cứu chữa tích cực, thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
Tại Trung tâm chống độc của Bạch Mai, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân bị ngộ độc paraquat vào viện. Và hiện nay, đang có ba bệnh nhân được cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ. Phần lớn trong số này là người có tuổi đời còn khá trẻ và nhiều người không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hóa chất diệt cỏ này.
Đang nằm viện, bệnh nhân Nguyễn Trung K., sinh năm 1993, quê ở Quảng Ninh do cãi nhau với bạn gái đã uống một ngụm thuốc diệt cỏ vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 14-2. Hiện sức khỏe của bệnh nhân này rất nguy kịch. Một bệnh nhân khác cũng đang được cấp cứu tại Trung tâm là bệnh nhân N.T.H, 23 tuổi, ở Hà Nội, cũng nặng không kém do bị ngộ độc thuốc paraquat. Một trường hợp khác, bệnh nhân 71 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội tiên lượng xấu, bệnh nhân khó thở và gia đình đã phải xin về ngay chiều ngày 14-2.
Theo bác sĩ Nguyên, khi bị ngộ độc chất này, lúc đầu bệnh nhân thấy buồn nôn, sau đó đau rát họng. Thuốc diệt cỏ hấp thụ vào đường tiêu hóa rất nhanh. Chỉ trong vòng hai tiếng đã đạt nồng độ cao trong máu. Trung bình, chỉ cần một ngụm nhỏ thuốc này (khoảng 5ml) đã có thể gây tử vong. Chất này hút vào phổi rất nhanh và gây tổn thương phổi nặng khiến bệnh nhân khó thở và phổi bị xơ hóa tiến triển không có khả năng hồi phục.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, nếu ca bệnh nào phục hồi thì sẽ chỉ để lại di chứng là xơ phổi, khó thở nhẹ, suy hô hấp mãn tính. Phần lớn nếu người bệnh qua được ba tuần chưa khó thở thì cơ hội sống cao. Nhưng nếu bị ngộ độc với liều lượng lớn thì sẽ bị rối loạn thể cấp tính, tử vong ngay lập tức. Cũng có nhiều trường hợp tử vong trong ba ngày do tổn thương đa tạng nặng nề. Còn đa phần tử vong trong 5-7 ngày, hoặc trong ba tháng tử vong do xơ phổi dạng nặng.
Vì thế, theo bác sĩ Nguyên, dù có đến cấp cứu kịp thời, thì nguyên nhân tử vong vẫn rất cao. Vì khi bệnh nhân nhập viện đều rất tỉnh táo nhưng có triệu chứng chung là khó thở. Nếu can thiệp bằng thở oxi thì khi oxi kết hợp với chất paraquat sẽ thành chất độc hơn gây tổn thương phổi nhanh hơn. Trừ trường hợp quá đặc biệt, mới cho bệnh nhân thở oxi, nhưng cũng không thể cứu được tính mạng của họ mà chỉ là kéo dài thời gian hơn cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, bác sĩ chỉ có thể giải thích với gia đình, chừng nào người bệnh chưa khó thở thì sẽ áp dụng biện pháp chữa hết sức có thể. Chi phí đầy đủ cho một phác đồ điều trị ca bệnh này gồm cả lọc máu và sử dụng thuốc hỗ trợ có thể tốn từ 50 đến 100 triệu.
Cấm paraquat, sẽ cứu 1.000 người/năm
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa ban hành quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2, 4D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là một năm và buôn bán, sử dụng tối đa là hai năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực.
Là người tham gia trực tiếp vào nhiều ca cấp cứu do ngộ độc paraquat, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đánh giá cao quyết định loại bỏ paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là quyết định có tác động lớn trong phòng chống ngộ độc hóa chất này, có thể tránh được khoảng 1.000 trường hợp tử vong/năm. Nếu không làm sớm thì những năm sau và năm sau nữa, sẽ có thêm hàng nghìn ca tử vong do hóa chất này.
Hiện nay, có 40 nước trên thế giới đã cấm lưu hành hóa chất này. Ngay cả Trung Quốc được coi là nơi sản xuất chính loại hóa chất này cũng đã cấm tại thị trường sở tại.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, nếu người dân uống hóa chất dung dịch màu xanh, xanh lam, xanh lục đựng trong lọ nhựa, sau uống nôn đau rát họng nghĩ ngay đến thuốc diệt cỏ này. Khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc paraquat, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để dùng than hoạt hoặc dùng thuốc truyền dịch thải độc, lọc máu…