Hơn 1.000 nông sản tham gia Lễ hội 'Nông sản đặc sản vùng miền 2023'
Các sản phẩm nông sản, đặc sản được sản xuất và tiêu thụ trong một 'môi trường xanh' đảm bảo chất lượng và an toàn, từ đó giúp tăng cường niềm tin cho người tiêu dùng nói riêng và góp phần tạo ra giá trị cho nền kinh tế nói chung...
Từ ngày 28/4 đến ngày 2/5, tại TP.HCM sẽ diễn ra lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền 2023”. Sự kiện do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng Cao TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam phối hợp tổ chức và nhận được hỗ trợ từ dự án Năng lực Cạnh tranh Khu vực Tư nhân của USAID (dự án IPS-C).
Đây là nơi hội tụ của hơn 1.000 loại nông đặc sản, sản phẩm chất lượng cao đến từ hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, như: Cần Thơ, Quảng Nam, Hạ Long, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Ninh Thuận, Long An, Cà Mau, TP.HCM, Hà Giang, Nghệ An, Hà Nội.... Với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam như: OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm VietGap, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm có tiêu chuẩn HACCP, ISO, hàng Việt Nam chất lượng cao…
Đến tham quan, mua sắm trong những ngày diễn ra Lễ hội Nông sản đặc sản vùng miền 2023 người tiêu dùng không chỉ mua với chính sách ưu đãi giá mà còn là nơi để trực tiếp nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề để làm ra những sản phẩm tươi ngon, an lành, chất lương cao.
Đồng thời, trải nghiệm làng nghề dệt truyền thống, dệt lụa của dân tộc Thái, trải nghiệm nấu các loại xà phòng từ thảo dược, làm cao, tinh dầu thiên nhiên ở các vùng núi phía bắc như Nghệ An, Hà Nội, miền tây đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, lễ hội năm nay còn có đêm nhạc kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo tồn.
Theo Ban tổ chức, các sản phẩm nông sản, đặc sản được sản xuất và tiêu thụ trong một “môi trường xanh” đảm bảo chất lượng và an toàn, từ đó giúp tăng cường niềm tin cho người tiêu dùng và góp phần tạo ra giá trị cho nền kinh tế nói chung.
Được biết, nông đặc sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại cây trồng, động vật, thủy hải sản các địa phương, các vùng miền trên khắp cả nước. Việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực giúp đưa các sản phẩm này vào chuỗi cung ứng thực phẩm, giúp nông dân và những người làm công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được hưởng lợi kinh tế.
Song song đó, việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực còn giúp phát triển ngành du lịch, tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Lễ hội, Ban tổ chức thực hiện tọa đàm "Cuộc sống xanh - Thực phẩm tốt cho sức khỏe" với các diễn giả, chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực…