Hơn 1.000 tỷ Euro - mức giá EU phải bỏ ra để đoạn tuyệt dầu khí Nga
Kế hoạch tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga sẽ cần ít nhất nguồn vốn đầu tư 1.000 tỉ euro.
EU mới đây công bố kế hoạch năng lượng mang tên REPowerEU nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga, đẩy nhanh dịch chuyển theo hướng thoát khỏi năng lượng thâm dụng carbon. Dự án này do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo, với mức đầu tư vào khoảng 210 tỷ euro cho giai đoạn từ nay đến năm 2027.
REPowerEU là kế hoạch đầy tham vọng của EU, dựa trên sáu trụ cột chính, bao gồm: Tiết kiệm năng lượng; đa dạng hóa nguồn cung ứng quốc tế về nhiên liệu hóa thạch; đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo; giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp và vận tải; đầu tư thông minh và cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục cấp phép các dự án năng lượng tái tạo lớn.
Tuy nhiên, theo phân tích của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, để đạt được mục tiêu then chốt đề ra trong REPowerEU là đưa tỉ lệ năng lượng tái tạo chiếm 40-45% tổng nguồn cung đến năm 2030, EU cần tới khoản tiền đầu tư ít nhất là 1.000 tỷ euro. Số tiền này chưa bao gồm khoản chi cho các mục tiêu khác, như mạng lưới truyền tải điện, năng lực tích trữ điện năng tái tạo dài hạn khi chuyển đổi năng lượng, nhất là hạ tầng tích trữ năng lượng bằng pin.
REPowerEU đề cập đến nhiều giải pháp chuyển đổi khác nhau để xử lý khủng hoảng năng lượng hiện nay. Trong đó hạng mục chi tiết nhất là lộ trình phát triển năng lượng mặt trời, với ý định tăng gần gấp đôi công suất quang điện mặt trời đến năm 2025, lên mức 320 GW và đạt sản lượng 600GW vào năm 2030.
Sản lượng điện mặt trời trong EU hiện là 198 GW, đồng nghĩa với việc từ nay đến cuối thập kỷ này EU phải tăng công suất trung bình 44 GW/năm với nguồn năng lượng tái tạo này, tức công suất lắp đặt phải tăng gần gấp đôi so với hiện nay (24 GW được bổ sung vào lưới điện trong năm 2021 và khoảng 29 GW trong năm nay). Để hướng tới mục tiêu 600 GW, sản lượng bổ sung sau đó phải lên mức 56 GW/năm.
Mức đầu tư trung bình cho 1 MW quang điện mặt trời hiện là 1,1 triệu euro. Để có thêm 411 GW từ nay đến năm 2030 cần khoản đầu tư 452 tỷ euro. Còn để hoàn tất mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng nguồn cung vào năm 2030, EU sẽ phải tăng đầu tư đáng kể cho nguồn năng lượng gió – nhân tố chưa được đề cập sâu trong REPowerEU. Theo Rystad Energy, công suất lắp đặt điện gió phải được bổ sung thêm từ 450-490 GW, kéo theo khoản đầu tư trị giá 820 tỷ euro.
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Nhưng đến thời điểm hiện tại EC vẫn chưa đề cập chi tiết tổng mức đầu tư cần thiết để thực hiện các mục tiêu đề ra. EC có đề cập đến khoản ngân sách 225 tỷ USD dưới hình thức các khoản vay sẵn có từ nay đến năm 2027, cùng với đó là khoản đầu tư bổ sung 300 tỷ USD đến năm 2030.
Con số này đều thấp hơn so với mức ngân sách thực tế để phục vụ chuyển đổi năng lượng, với các khoản chi mới cho hạ tầng truyền tải, năng lực tích trữ năng lượng tái tạo, hạ tầng khí đốt, sản xuất năng lượng hydrogen. Đó là chưa tính đến yếu tố trượt giá trong đầu tư, bởi đầu tư ồ ạt sẽ tạo ra khan hiếm nguồn cung về tấm pin mặt trời, turbine gió, khối lượng kim loại, vật tư dùng cho xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo, gây ra tình trạng tăng giá và làm đội thêm chi phí.
Theo Carlos Torres Diaz, REPowerEU là dự án đầy tham vọng. Các công ty điện và thị trường năng lượng đang chờ đợi thông tin chi tiết về đầu tư và hạ tầng có trong REPowerEU. Mục tiêu đề ra trong kế hoạch này là khả thi. Nhưng để biến thành hiện thực vào năm 2030, cần phải có khâu lập kế hoạch, mức đầu tư, tiến độ xây dựng, sản xuất như trong thời chiến.
Ngoài nguồn vốn, EU còn phải giải quyết nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. REPoerEU thừa nhận cần phải xử lý những điểm nghẽn trong quy trình cấp phép dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án lớn. Đơn cử, quá trình cấp phép điện gió hiện nay có thể phải mất tới 9 năm. Giải pháp được EC đưa ra là coi các dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục vì lợi ích cộng đồng vượt trội, khuyến khích các nước thành viên lập sẵn các khu vực phát triển dự án, áp thời hạn chót trong quá trình xem xét phê duyệt dự án mới.