Hơn 1/3 dân số thế giới đối diện vấn đề thần kinh

Các dạng rối loạn thần kinh hàng đầu góp phần làm suy giảm sức khỏe được WHO thống kê bao gồm đột quỵ, bệnh não sơ sinh, đau nửa đầu, mất trí nhớ....

Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi hôm 15-3, hơn 1/3 dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các rối loạn thần kinh, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật trên toàn thế giới.

Con số này tương đương với hơn 3 tỉ người phải đối diện với vấn đề thời đại này.

Số người đối diện với rối loạn thần kinh tăng nhanh trong các thập kỷ qua - Ảnh minh họa từ Internet

Số người đối diện với rối loạn thần kinh tăng nhanh trong các thập kỷ qua - Ảnh minh họa từ Internet

Đó là kết quả từ một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet Neurology, mà WHO đã đóng góp vào việc phân tích dữ liệu Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật, thương tích và yếu tố rủi ro toàn cầu (GBD) năm 2021.

Theo WHO, tổng số trường hợp khuyết tật, bệnh tật và tử vong sớm do các vấn đề thần kinh gây ra đã tăng 18% kể từ năm 1990.

Hơn 80% số ca tử vong và mất sức khỏe do rối loạn thần kinh xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi số lượng chuyên gia thần kinh trên 100.000 dân thấp hơn tới 70 lần so với các nước thu nhập cao

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Nghiên cứu này sẽ đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm mở rộng các biện pháp can thiệp có mục tiêu nhằm cho phép ngày càng nhiều người mắc bệnh thần kinh được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng có chất lượng mà họ cần.

Mười dạng rối loạn thần kinh hàng đầu góp phần làm suy giảm sức khỏe là đột quỵ, bệnh não sơ sinh (chấn thương não), đau nửa đầu, mất trí nhớ, bệnh thần kinh do tiểu đường (tổn thương dây thần kinh), viêm màng não, động kinh, biến chứng thần kinh do sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và vấn đề thần kinh trong bệnh ung thư.

Nhìn chung, các tình trạng thần kinh gây ra nhiều khuyết tật và suy giảm sức khỏe ở nam giới hơn so với phụ nữ. Dù vậy, một số tình trạng như chứng đau nửa đầu hoặc chứng mất trí nhớ thì phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Kể từ năm 1990, số lượng những người sống chung hoặc chết vì các bệnh lý thần kinh đã tăng lên, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi về nhân khẩu học và việc con người sống lâu hơn.

Bệnh thần kinh tiểu đường là tình trạng thần kinh gia tăng nhanh nhất, tăng hơn gấp 3 lần trên toàn cầu kể từ năm 1990, lên tới 206 triệu trường hợp vào năm 2021.

Các tình trạng khác như biến chứng thần kinh do COVID-19 (ví dụ suy giảm nhận thức và hội chứng Guillain-Barré) trước đây không tồn tại và hiện chiếm hơn 23 triệu trường hợp.

Gánh nặng thần kinh và tổn thất sức khỏe do các tình trạng khác đã giảm trên 25% kể từ năm 1990 nhờ công tác phòng ngừa - bao gồm vắc-xin - chăm sóc và nghiên cứu được cải thiện.

Đó là các vấn đề thần kinh liên quan đến uốn ván, bệnh dại, viêm màng não, khuyết tật ống thần kinh, đột quỵ, bệnh u nang thần kinh (nhiễm ký sinh trùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương), viêm não và bệnh não ở trẻ sơ sinh.

Nhiều rủi ro có thể tránh được

Nghiên cứu cũng xem xét 20 yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các tình trạng thần kinh có khả năng phòng ngừa được như đột quỵ, mất trí nhớ và thiểu năng trí tuệ vô căn.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ chính - trong đó hàng đầu là tình trạng cao huyết áp và ô nhiễm không khí - có thể ngăn ngừa tới 84% tổng số năm mà các bệnh nhân đột quỵ trên thế giới phải sống chung với di chứng.

Tương tự, việc ngăn ngừa tiếp xúc với chì có thể giảm gánh nặng khuyết tật trí tuệ vô căn tới 63,1% và giảm mức đường huyết lúc đói cao có thể giảm gánh nặng của chứng mất trí nhớ tới 14,6%.

Hút thuốc cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ đột quỵ, mất trí nhớ và bệnh đa xơ cứng.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hon-1-3-dan-so-the-gioi-doi-dien-van-de-than-kinh-19624031509045689.htm