Hơn 1.300 lượt ý kiến về sửa đổi Hiến pháp được ghi nhận trên ứng dụng VNeID

Hơn 1 ngày công bố Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đã có hơn 1.300 lượt góp ý được ghi nhận trên ứng dụng VNeID.

Chiều 7-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) bày tỏ hoàn toàn nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bởi việc sửa đổi này nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, một nhiệm vụ đang được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao.

Theo đại biểu, ngày 6-5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, và các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo này đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân, đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể.

Điểm khác biệt trong lần lấy ý kiến này là ngoài các hình thức truyền thống, đã áp dụng nền tảng số thông qua ứng dụng VNeID. "Tính đến hôm nay 7-5, đã có hơn 1.300 lượt ý kiến được ghi nhận trên ứng dụng VNeID" - bà Thủy cho biết. Đồng thời, kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhân dân.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, nữ đại biểu cho rằng việc sửa đổi Điều 110 về phân định các đơn vị hành chính nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, và Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, không duy trì chính quyền cấp huyện và cấp xã như trước đây phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo không liệt kê cụ thể các loại đơn vị hành chính mà chỉ nêu rằng "đơn vị hành chính bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Lý do không liệt kê chi tiết là để rút kinh nghiệm từ Điều 110 của Hiến pháp hiện hành, vốn quy định quá cụ thể, dẫn đến thiếu linh hoạt trong tổ chức đơn vị hành chính.

Theo nữ đại biểu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, trong quá trình xây dựng và biên tập dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến còn băn khoăn về quy định chuyển tiếp tại khoản 3 của Điều 2, liên quan đến việc chỉ định các chức danh thuộc HĐND và UBND tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Bà cho rằng cơ chế chỉ định này phù hợp, bởi nhiệm kỳ của HĐND tại các đơn vị hành chính hiện nay chỉ kéo dài đến đầu năm 2026, thời gian còn lại rất ngắn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này diễn ra trên quy mô toàn quốc, với quy mô lớn, như nhập 3 tỉnh thành 1 tỉnh hoặc nhập 5-7 xã thành một đơn vị hành chính cấp xã.

Sự thay đổi này khiến các đại biểu HĐND tại các đơn vị trước sắp xếp khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ, và khả năng đảm đương công việc của các cán bộ sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại đơn vị hành chính mới. "Vì vậy, chỉ định cán bộ là giải pháp hợp lý".

Tuy nhiên, về thẩm quyền chỉ định, bà Thủy cho rằng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Dự thảo Nghị quyết quy định đối với cấp xã, Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của HĐND, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Theo đại biểu Thủy, quy định này gây băn khoăn về nguyên tắc quản lý hành chính, bởi theo luật hiện hành, Chủ tịch UBND cấp trên phê chuẩn các chức danh do HĐND cấp xã bầu, còn cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Việc giao Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định các chức danh cấp xã có thể chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính, mặc dù phù hợp với Kết luận số 150 của Bộ Chính trị. Do đó, đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền cân nhắc điều chỉnh thẩm quyền chỉ định để đảm bảo phù hợp hơn với nguyên tắc quản lý hành chính hiện nay.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hon-1300-luot-y-kien-ve-sua-doi-hien-phap-duoc-ghi-nhan-tren-ung-dung-vneid-196250507165532561.htm