Hơn 1.600ha nông nghiệp Tuy Đức có ứng dụng công nghệ cao

Tuy Đức (Đắk Nông) xác định nông nghiệp là lĩnh vực trụ cột và huyện chú trọng đầu tư phát triển, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tuy Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tuy Đức chú trọng và ưu tiên phát triển các loại cây trồng có thế mạnh, xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung.

Để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Huyện kiện toàn Hội khoai lang Tuy Đức, đầu tư 10ha khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGAP. Huyện đã triển khai trồng được 2.130ha mắc ca, đến nay có khoảng 3.162ha đã cho thu hoạch 1.350ha, sản lượng khoảng trên 1.842 tấn/năm.

Nông nghiệp đang được huyện quan tâm để nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân

Nông nghiệp đang được huyện quan tâm để nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân

Bên cạnh đó, nhằm mở rộng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, huyện triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trên cơ sở đề án, huyện tổ chức cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi.

Các ngành chức năng tích cực vận động người dân đẩy mạnh thâm canh, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy Đức đã hình thành được vùng sản xuất khoai lang phục vụ xuất khẩu

Tuy Đức đã hình thành được vùng sản xuất khoai lang phục vụ xuất khẩu

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với 2013. Tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 268.370 con, vượt 3% so với kế hoạch. Trên địa bàn huyện có 125 gia trại, 6 trang trại quy mô vừa, nhỏ, 3 trang trại nuôi heo quy mô lớn.

Huyện đã hình thành vùng sản xuất điều 9.800ha ở xã Quảng Tân, Đắk Ngo; vùng sản xuất mắc ca 1.860ha tại xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm; vùng sản xuất rau xanh 250ha tại xã Quảng Tâm, Đắk Búk So. Huyện xây dựng được 6 mã vùng trồng, 1 mã cơ sở đóng gói chanh leo.

Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Tuy Đức đã hướng tới bền vững

Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Tuy Đức đã hướng tới bền vững

Toàn huyện có khoảng 1.624ha đất có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; có khoảng 1.000ha áp dụng các quy trình sản xuất toàn thực phẩm và được chứng nhận.

Khoa học, công nghệ được người dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Huyện cơ giới hóa trong nông nghiệp ở một số khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch và chế biến. Tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80 – 95%, năng suất tăng từ 5 – 10%.

Lãnh đạo huyện Tuy Đức đánh giá, sự đồng thuận của người dân, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo bám sát các mục tiêu nghị quyết đề ra đã giúp huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Sự tác động và hiệu quả của việc triển khai thực hiện nghị quyết được thể hiện cụ thể qua các lĩnh vực trọng tâm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên đại bàn.

Đến năm 2023, Tuy Đức đã hoàn thành tiêu chí thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Trong thu hút đầu tư, huyện Tuy Đức đã kêu gọi 1 nhà máy ép tre, lồ ô trên địa bàn xã Quảng Trực chuẩn bị đưa vào hoạt động; 16 dự án điện gió đã được nhà đầu tư khảo sát và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; 1 dự án Thủy điện Đắk Glun đang thực hiện; 1 dự án du lịch thác Đắk G'lun đã được nâng cấp và hoạt động.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/hon-1-600ha-nong-nghiep-tuy-duc-co-ung-dung-cong-nghe-cao-212498.html