Hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư xây cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai – TP.HCM
Thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án cầu Nhơn Trạch với tổng vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ nối liền hai địa phương lân cận TP.HCM và Đồng Nai...
Cầu Nhơn Trạch rộng 19,75 m, dài 2.040 m, đường dẫn hai bên cầu 560 m có tổng mức đầu tư hơn 1.813 tỷ đồng. Hạng mục này sẽ được khởi công xây dựng ngay sau khi Ủy ban nhân dân TP.HCM và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng.
Dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch (gói thầu CW1) thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 8,22 km, gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 6,3 km và đoạn đi qua TP.HCM dài 1,92 km.
Tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, rộng 20,5 - 26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.900 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 sẽ rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đi Bình Dương và TP.HCM. Tuyến đường này còn kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; trong đó đặc biệt phân luồng từ xa, làm giảm ách tắc cho các tuyến đi vào nội đô.
Đồng Nai và TP.HCM là hai địa phương liền kề, nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam Bộ và là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Có thể nói, nếu như TP.HCM được ví là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi. Nhu cầu kết nối về hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương, vì vậy là rất lớn.
Sự liền kề giữa hai địa phương này vừa là đất liền vừa là sông ngòi. Con sông lớn và quan trọng bậc nhất cung cấp nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế cho cả hai địa phương là sông Đồng Nai – Sài Gòn. Tuy nhiên, trên thực tế, kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai chủ yếu là đường bộ. Các cầu đường bộ kết nối trực tiếp giữa hai địa phương hiện còn rất ít ỏi.
Ngoài cầu Đồng Nai kết nối gián tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai (cầu Đồng Nai có vị trí bờ tây là địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cũng là nơi giao nhau giữa TP.HCM và Bình Dương qua Dĩ An), bờ đông là địa phận thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) thì kể từ khi dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2015, cầu đường bộ cao tốc Long Thành là cầu duy nhất kết nối trực tiếp TP.HCM với Đồng Nai.
Một cầu đường bộ khác kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai là dự án cầu Cát Lái đến nay vẫn chưa được khởi công’ trong khi cầu đường bộ cao tốc Phước Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thì đến nay vẫn chưa thành hình do dự án cao tốc này tiếp tục lùi thời gian hoàn thành đến năm 2025 (kế hoạch giao là cuối 2023, dự kiến ban đầu là 2018 hoàn thành toàn tuyến dự án).
Mới đây, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, đã ký kết hợp đồng xây lắp với nhà thầu Công ty Kumho Engineering & Construction (Hàn Quốc)... để triển khai gói thầu CW1, gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch.
Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch phải hoàn thành cuối năm 2025 là thời điểm dự án Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 (dự kiến sân bay Long Thành sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào cuối quý III-2025). Cầu Nhơn Trạch hoàn thành cùng lúc với đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo, hối thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục ban hành đơn giá đồng thời lập các phương án bồi thường và hoàn thành, phê duyệt, chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân trong khu vực huyện Nhơn Trạch trong tháng 7/2022 để dự án kịp triển khai.