Hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư đường nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, Ninh Thuận từ vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư đường nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận
Chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến Đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (sau đây gọi là dự án).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, trong đó, điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km 16+900 (cách sông Cầu 250m về phía đông) thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh và điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên Đường tỉnh 656 (tại Km55+900) vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án có quy mô đầu tư 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h, đoạn qua địa hình khó khăn châm chước tốc độ thiết kế 40km/h, 2 làn xe không có dải phân cách giữa, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.929,882 tỷ đồng, nguồn vốn dự án lấy từ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021 - 2025 (121,994 tỷ đồng) và giai đoạn 2026 - 2030 (808,006 tỷ đồng).
Chính phủ đề xuất thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2022 - 2024, thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2023 - 2024 và thời gian thi công xây dựng 2024 - 2027.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng
Trình bày Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư dự án trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Ủy ban KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án vì việc đầu tư dự án sẽ hình thành tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, đã được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“
Ủy ban KH,CN&MT kiến nghị Quốc hội xem cho phép dự án đầu tư đường nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận được thực hiện theo các cơ chế đặc thù. Cụ thể, giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.
Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến dự án.
Dự án cũng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án sẽ phá vỡ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tạo điều kiện và khả năng kết nối liên vùng giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Việc đầu tư dự án cũng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của 2 huyện miền núi, trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh trên cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo trên 45%.
Góp phần tạo điều kiện chủ động về cứu hộ cứu nạn tăng cường an ninh, quốc phòng, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Đồng thờ,i thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về thời gian thực hiện Dự án, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào Kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì tiến độ thực hiện dự án theo Tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.
Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.
Về tổng mức đầu tư dự án, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng khả thi. Tuy nhiên, đến nay do chưa đầy đủ thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ, giao vốn cụ thể. Do đó, nếu được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, đề nghị Chính phủ cân đối, đề xuất phương án bố trí phân bổ nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 cho dự án phù hợp với cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư.
Đối với vốn ngân sách địa phương, tỉnh Khánh Hòa đã cam kết bố trí 930 tỷ đồng cho dự án. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, một số dự án sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn, không ưu tiên bố trí vốn theo cam kết và đề nghị điều chỉnh, bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương thay thế.
Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí nguồn lực thực hiện dự án, đồng thời thể hiện rõ cam kết của địa phương trong phân bổ nguồn vốn nêu trên trong Nghị quyết của Quốc hội đối với dự án.