Hơn 1 tỉ liều vắcxin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu
Tiêm vắcxin cho người dân tại Bremen, Đức - Ảnh: AFP/TTXVN
Hơn 1 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24/4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ.
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vắcxin đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa trong số đó (khoảng 58%) đã được sử dụng tại 3 nước gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều.
Xét theo tỉ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vắcxin. Xếp sau Israel là Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã nhận được tiêm ít nhất một mũi vắcxin, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%).
Tại Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều đã được tiêm cho 21% dân số. Malta đang dẫn đầu EU với 47% dân số đã được chủng ngừa, trong khi nước xếp thứ hai là Hungary với 37%. Trong khi đó, Đức mới chỉ có 22,6% dân số đã được tiêm chủng, còn của Tây Ban Nha là 22,3%, Pháp là 20,5% và Italy là 19,9%.
Trên toàn thế giới, số liều vắcxin được sử dụng đã tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tháng trong bối cảnh các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Mặc dù phần lớn các nước nghèo cũng đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, chủ yếu thông qua sáng kiến tiếp cận vắcxin COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nhìn chung việc tiêm chủng vẫn là một "đặc quyền" của các quốc gia có thu nhập cao, khi các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 0,2% số liều vắcxin đã được sử dụng.
Tới nay, vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế vẫn đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới khi được đưa vào chương trình tiêm chủng của 156/ 207 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, vắcxin của Pfizer/BioNTech đã được sử dụng tại 91 nước (chiếm 44%), tiếp theo là vắcxin của hãng Moderna với 46 nước (khoảng 22%); vắcxin của Sinopharm với ít nhất 41 nước (khoảng 20%); vắcxin Sputnik V với ít nhất 31 nước (khoảng 15%) và vắcxin Sinovac với 21 nước (khoảng 10%).
Trong diễn biến khác, Mỹ đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Ấn Độ và có kế hoạch đẩy nhanh công tác hỗ trợ chính quyền New Delhi và các nhân viên y tế nước này trong nỗ lực chống dịch.
Trong thư điện tử gửi hãng tin Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Mỹ đã có những cuộc trao đổi cấp cao và có kế hoạch nhanh chóng triển khai hỗ trợ cho Chính phủ Ấn Độ và các nhân viên y tế, những người đang phải nỗ lực đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng mới nhất hiện nay.
Trong khi đó, người phát ngôn Đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ cho biết giới chức hai bên đã trao đổi và tiếp xúc ở nhiều cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thành phần từ các công ty Mỹ để giúp đẩy nhanh việc sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ở Ấn Độ.
Theo quan chức này nhấn mạnh, điều quan trọng là hai bên phải hợp tác cùng nhau để xác định những "điểm tắc nghẽn" trong các chuỗi cung ứng y tế và đưa ra các giải pháp khả thi để khắc phục những vấn đề này, nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh công tác tiêm chủng.
Mặc dù chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu đã đạt được một số bước tiến tích cực với khi đã vượt qua mốc 1 tỉ liều vắcxin được sử dụng, nhưng tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ lại đang là "điểm đen" che mờ những thông tin tích cực này.
Rieng trong ngày 24/4, Ấn Độ đã ghi nhận gần 350.000 ca mắc mới, chiếm gần 1/3 số ca mắc mới trên toàn cầu. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới hiện nay. Quốc gia Nam Á này đã trở thành điểm nóng dịch bệnh mới với sự xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các sự kiện cộng đồng "siêu lây nhiễm" gần đây.
Số ca mắc mới mỗi ngày liên tục duy trì hơn 300.000 ca đã đẩy các bệnh viện rơi vào cảnh quá tải và thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay và tàu hỏa quân sự để vận chuyển oxy từ các khu vực khác của đất nước cũng như nước ngoài đến thủ đô New Delhi.
Từ ngày 1/5, người dân từ 18-45 tuổi ở Ấn Độ sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 với hi vọng nhiều người được tiêm chủng sẽ giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh trên toàn quốc. Hiện Ấn Độ đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho hơn 1,4 triệu người.
Tại Bỉ, ngày 24/4, Bộ trưởng phụ trách Tị nạn và Nhập cư của Bỉ Sammy Mahdi, đã yêu cầu Ủy ban phòng chống COVID-19 tạm thời cấm sinh viên nước ngoài đến Bỉ để theo học các khóa học hay thực tập.
Đề nghị này được đưa ra sau khi nước này ngày 22/4 phát hiện 20 sinh viên trong nhóm 43 sinh viên Ấn Độ đến Bỉ học một năm chuyên ngành y tá đã nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ.
Các sinh viên này nhập cảnh châu Âu hôm 12/4. Trước khi lên máy bay tại Ấn Độ, tất cả đã làm xét nghiệm PCR và khi xuống máy bay tại Paris đã làm xét nghiệm nhanh, kết quả đều là âm tính. Sau đó nhóm sinh viên di chuyển tới hai thành phố khác nhau của Bỉ và tự cách ly hai tuần trong ký túc xá.
Bảy ngày sau khi nhập cảnh, xét nghiệm PCR lần thứ hai cho kết quả có 20 sinh viên đã nhiễm biến thể mới. Mặc dù những sinh viên này đang được cách ly, song Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden đang cân nhắc tăng cường các biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người đến từ một số khu vực có nguy cơ đại dịch cao.
Bà nhận định: "Hiện nay, những người trong thời gian cách ly vẫn có thể đi mua hàng hóa thiết yếu hay dược phẩm. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét về việc siết chặt những quy định này đối với những người đến từ các vùng có nguy cơ cao”.
Về nguyên tắc, lệnh cấm đối với việc đi và đến từ Ấn Độ hiện vẫn có hiệu lực do Ấn Độ được xem là một nước thứ ba bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, lệnh cấm này vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như các sinh viên, chuyên gia chăm sóc y tế và các nhà ngoại giao.
Bộ trưởng Verlinden nhấn mạnh nhà chức trách sẽ phải tiếp tục theo dõi xem liệu các trường hợp được miễn lệnh cấm trên có phù hợp với tình hình hiện tại hay không. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo biện pháp "đóng cửa biên giới nghiêm ngặt hơn sẽ gây ra nhiều vấn đề" và do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện Bỉ ghi nhận tổng cộng 972.041 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.990 ca tử vong.