Hơn 1 triệu người Nhật đang chọn lối sống ẩn dật, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài
Chính quyền Nhật Bản thống kê trên toàn quốc năm 2022 có khoảng 1,1 triệu người chọn lối sống hikikomori, tức hoàn toàn cắt đứt với xã hội. Trong số này không chỉ có người trẻ.
Khái niệm hikikomori đã được đưa ra từ hơn chục năm trước ở Nhật Bản. Những người hikikomori là người sống ẩn dật trong xã hội, quyết định hoàn toàn từ bò việc giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ không đi làm, đi học, chỉ nhốt mình trong phòng và sống phụ thuộc vào gia đình.
Chủ đề này lại trở nên nổi cộm gần đây khi một cuộc khảo sát mới hồi tháng 8/2022 lần đầu tiên tiết lộ những thông số đáng quan ngại: có khoảng 1,1 triệu hikikomori khắp toàn quốc, hơn một nửa số hikikomori ở Tokyo là phụ nữ và hầu hết số người xa lánh xã hội này không muốn, không có ý định tái hòa nhập.
Bố mẹ già 80 tuổi nuôi con 50 tuổi
Ở xứ sở Phù Tang, hikikomori từ lâu đã không còn là câu chuyện của thanh niên. Theo số liệu thống kê ở quận Edogawa - quận trung tâm đông dân hàng đầu Tokyo, 1 phần 3 số người hikikomori đang ở độ tuổi 40 và 50. Trong đó, nhóm tuổi 40 chiếm 17,1% và người ở độ tuổi 50 là 16,6%. 1 trong 4 người được khảo sát đã tự cô lập mình với thế giới bên ngoài và không tham gia vào bất kỳ hoạt động xã hội nào trong ít nhất một thập kỷ.
Các chuyên gia gọi đây là “vấn đề 80-50”, nơi các bậc cha mẹ ở độ tuổi 80 chăm sóc hikikomori ở độ tuổi 50. Trong thời gian tới, khi họ già yếu hoặc qua đời, sẽ để lại những đứa con sống ẩn dật không được chăm sóc và đây đang là vấn đề cần phải kêu gọi tìm giải pháp nhanh chóng. Nhật Bản là nơi có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới, với khoảng 3/10 trong số 126 triệu dân thuộc nhóm trên 65 tuổi.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phân loại hikikomori là những người không đi làm hoặc đi học trong ít nhất 6 tháng và hiếm khi tương tác với những người bên ngoài gia đình của họ.
Trong cuộc khảo sát ở Tokyo, số lượng phụ nữ chọn lối sống hikikomori chiếm hơn 52%. Con số này khiến các quan chức Nhật Bản ngạc nhiên vì lâu nay, hikikomori thường khiến người ta hình dung đến nam giới nhiều hơn, đặc biệt là những người nghiện game là nam.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc khảo sát không gây ngạc nhiên cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản. Họ cảnh báo rằng số lượng hikikomori trong thực tế có khả năng còn cao hơn nhiều vì không ít người từ chối làm khảo sát.
Không có nhu cầu tái hòa nhập
Một con số gây chú ý khác là hơn 30% hikikomori trên toàn quốc không cần hỗ trợ để tái hòa nhập xã hội và chỉ muốn được yên.
Trong cuộc khảo sát chi tiết ở quận Edogawa, khi được hỏi liệu có đang tìm kiếm bất kỳ hình thức tương tác xã hội nào hay không, nhiều hikikomori ở độ tuổi 40 cho biết họ đang tìm kiếm việc làm hoặc ít nhất là hy vọng tìm được cơ hội làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, tuổi càng cao, những người được hỏi càng cảm thấy thoải mái hơn với tình trạng hiện tại của họ.
Về nguyên nhân khiến họ trở nên bị cô lập về mặt xã hội, 20% người được hỏi cho biết mình bị bệnh cần hồi phục lâu dài, tiếp theo là không thích hợp với nơi làm việc (14%), không tìm được việc làm (11%) và không phù hợp với cuộc sống học đường (10%).
62% những người sống ẩn dật trong xã hội cho biết họ không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp hoặc hỗ trợ nào từ các tổ chức chính phủ hoặc các tổ chức khác về tình trạng của họ. Điều đó trái ngược với câu trả lời của những người có hikikomori trong gia đình, 55% trong số đó cho biết họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bên ngoài.
Chỉ 26,4% hikikomori tự trả lời cuộc khảo sát, trong khi phần còn lại của câu trả lời đến từ các thành viên trong gia đình của những người sống biệt lập.
Những sáng kiến giải quyết vấn nạn bế tắc cả thập kỷ
Masaki Ikegami, một giám đốc tổ chức hỗ trợ cộng đồng có trụ sở tại Tokyo nếu quan điểm rằng trước khi thuyết phục hikikomori trở về với thế giới thực tại, xã hội cần phải thay đổi trước.
“Những người này không muốn rời khỏi nhà của họ vì sợ áp lực rất lớn đang tồn tại trong xã hội hiện nay, một xã hội phủ nhận và loại trừ bất kỳ loại ý kiến khác biệt nào. Chúng ta không cần thay đổi từng cá nhân, chúng ta cần thay đổi một xã hội có áp lực khủng khiếp và từ chối xem xét ý kiến của người khác. Tiếp đó, chúng ta cần giáo dục cho các gia đình có hikikomori cách đối phó với các tình huống. Khi các hikikomori cảm thấy đủ an toàn, họ nên được khuyến khích bước ra ngoài và dần dần trở lại với cộng đồng”, Ikegami cho biết.
Vickie Skorji, giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý khác thì cho biết vẫn còn quá ít sự trợ giúp dành cho những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần tại Nhật Bản.
Cô nhận định có nhiều lý do khác nhau khiến mọi người tự đóng cửa, chứ không phải chỉ là những người đã quá mệt mỏi, buồn khổ: “Nếu một người đang tận hưởng hạnh phúc một mình và luôn có ai đó mang thức ăn cho họ và họ cảm thấy không cần phải tương tác với phần còn lại của thế giới, tại sao họ phải rời khỏi nhà của mình? Không phải hikikomori nào cũng đau khổ, thấy bất hạnh, vậy động cơ để họ thay đổi là gì?".
Có một số sáng kiến đã và đang được quan tâm, thực hiện tại Nhật Bản để kéo nhóm người hikikomori trở về với xã hội, chẳng hạn như kế hoạch sử dụng trò chơi máy tính để giao tiếp như một bước đầu tiên để khuyến khích hikikomori tương tác với người ngoài gia đình họ. Các dự án khác bao gồm giúp các hikikomori tìm công việc mà họ có thể làm trực tuyến. Tuy nhiên, các dự án này có quy mô nhỏ và thiếu nguồn tài trợ thích hợp từ chính phủ.
Nguồn: SCMP, Japan Times