Hơn 1 triệu trẻ mẫu giáo trên toàn quốc được làm quen với tiếng Anh
Hơn 1 triệu trẻ em mẫu giáo toàn quốc được làm quen với tiếng Anh, chiếm tỉ lệ 28,5% tổng số trẻ em mẫu giáo cả nước đến trường, lớp.
Ngày 29/8, tại TP Đà Nẵng, Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.
Dự và chỉ đạo tại Hội nghị có ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), cùng hơn 23 lãnh đạo là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố và hơn 200 lãnh đạo cấp Phòng GD&ĐT của 63 tỉnh thành cả nước, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo chuyên ngành mầm non.
Trẻ mạnh dạn, tự tin, phát triển ngôn ngữ tiếng Anh
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo là bước ngoặc lớn trong việc tạo hành lang pháp lý để quản lý nâng cao chất lượng cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trẻ em mầm non trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo ông Minh, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định tài liệu chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ, để từ đó các địa phương có thể chọn phù hợp với địa phương. Có thể thấy rằng chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo đã có những kết quả nhất định. Lượng giáo viên trong nước và nước ngoài tham gia vào chương trình này được nâng cao và ổn định.
“Mặc dù có những kết quả đạt được nhưng trong quá trình triển khai các địa phương vẫn còn một số khó khăn. Vì thế các địa phương cần nhìn nhận và điều chỉnh phù hợp. Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận và chỉ đạo thời gian tới tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Bậc học mầm non là bậc học đặt nền tảng, nền móng để hình thành kỹ năng, năng lực hàng đầu giúp trẻ em phát triển thành công dân toàn cầu theo giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Đặt nền móng thành công trong việc học tập ở các cấp tiếp theo.
Vì thế Hội nghị chúng ta cần trao đổi trong thời gian tới chúng ta cần làm gì, thực trạng triển khai ở các địa phương ra sao. Từ đó chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh khó khăn trong quá trình thực hiện và đề xuất ý kiến để nâng cao chất lượng để thực hiện tốt chủ trương này”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo báo cáo đánh giá sơ kết 3 năm triển khai chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, qua báo cáo của các địa phương, năm học 2023-2024 số trường tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh là 7.697 trường, chiếm tỉ lệ 50,5% số trường mầm non trên toàn quốc. Có 1.770 cơ sở giáo dục mầm non độc lập cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, trên 1 triệu trẻ em mẫu giáo toàn quốc được làm quen tiếng Anh, chiếm tỉ lệ 28,5% tổng số trẻ em mẫu giáo cả nước đến trường lớp.
Về đội ngũ giáo viên, trong năm học 2023-2024 cả nước có 13.155 giáo viên trực tiếp tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Tổng số giáo viên người Việt Nam là 9.716 người, trong đó giáo viên có trình độ tiếng Anh và chứng chỉ sư phạm bồi dưỡng về phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh hoặc tương đương là 7.191 giáo viên có trình độ đại học, 125 người trình độ sau Đại học và 2.407 giáo viên trình độ cao đẳng. Giáo viên được đào tạo song bằng là 1.059 người.
Giáo viên người nước ngoài bản ngữ là 1.157 người, giáo viên người nước ngoài không phải bản ngữ là 1.198 người…
Cũng theo báo cáo, đa số trẻ mẫu giáo tham gia chương trình làm quen tiếng Anh đều mạnh dạn, tự tin, đạt các kỹ năng giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Anh, nhiều trẻ thể hiện rõ năng lực giao tiếp, chủ động, tự tin trao đổi thông tin với các giáo viên và khách người nước ngoài. Cha mẹ trẻ thể hiện sự hài lòng về các kết quả trẻ đạt được về hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh.
Ngoài ra, trong quá trình học trẻ được hoạt động theo lớp, cá nhân, nhóm một cách tích cực, hứng thú, hình thức tổ chức linh hoạt học “bằng chơi, chơi mà học”, từ đó giúp trẻ hình thành các tố chất giúp trẻ phát triển toàn diện. Trẻ nghe nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc, thực hiện một số yêu cầu ngắn, đơn giản… Phần lớn trẻ đạt được yêu cầu cần đạt theo các kỹ năng giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Anh.
Bên cạnh mặt đạt được, cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó về đội ngũ, cơ sở vật chất. Cụ thể, đối với đội ngũ giáo viên nước ngoài gặp khó khăn, do yêu cầu phải hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp làm quen tiếng Anh với trẻ mẫu giáo, khó khăn về nguồn giáo viên hợp đồng…
Một số cơ sở giáo dục mầm non sử dụng phòng học chung để tổ chức cho trẻ làm quen tiếng anh do chưa có phòng năng khiếu, phòng đa chức năng. Một số cơ sở giáo dục mầm non mong muốn tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh, bên cạnh đó cha mẹ trẻ cũng có nhu cầu cho con học tại trường nhưng không đủ phòng riêng và các điều kiện cơ sở vật chất phòng học để tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Ngoài ra, còn có một số khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ chế chính sách.
Tuyên truyền về tầm quan trọng khi cho trẻ làm quen với tiếng Anh
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề như: công tác quản lý triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, công tác quản lý đảm bảo chất lượng cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, công tác phối hợp với cha mẹ trẻ, phân cấp quản lý việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Đồng thời, đưa ra những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình…
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho hay, sẽ tiếp thu tổng hợp những đóng góp ý kiến, kiến nghị của các giáo viên để đề xuất lên Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan từ đó báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ông Minh khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, nhằm đảm bảo chất lượng hiệu quả, đúng quy định. Từ đó, nghiên cứu điều chỉnh bổ sung quy định, tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng việc quản lý tổ chức thực hiện chương trình. Nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cho trẻ làm quen với tiếng Anh, giúp địa phương thực hiện tốt công tác quản lý
Ông Minh cũng lưu ý, trong quá trình chưa điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành trong quá trình thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.
"Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về tầm quan trọng trong việc việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Ngoài ra, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận tốt tiếng Anh để thực hiện tốt chương trình, nhất là trong thời điểm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường", ông Minh lưu ý.
Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở mầm non trang bị các phòng ngoại ngữ đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi. Xây dựng môi trường ngôn ngữ tiếng Anh cho trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.