Hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho vở diễn ballet 'Kiều'
Lần đầu tiên 'Truyện Kiều', niềm tự hào của văn học Việt Nam, được các nghệ sĩ trong nước đưa lên sân khấu thông qua hình thức múa ballet.
Chiều 10/6, buổi họp báo công bố vở múa Ballet “Kiều” diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Nghệ sĩ Tuyết Minh – người chuyển thể và tổng đạo diễn cho vở cho biết đây là dự án ấp ủ không chỉ cá nhân ê-kíp mà còn của cả Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Với vai trò chỉ đạo, chị chú trọng mang giá trị hồn cốt Việt vào vở diễn mà tác phẩm Kiều của Nguyễn Du chính là cầu nối.
Nữ biên đạo múa thừa nhận nhiều chuyên gia lẫn người trong nghề e dè trước “Truyện Kiều” bởi sự đồ sộ về thi ca, ngôn từ lẫn nền văn hóa Việt đậm nét. Tuy nhiên, chị tự tin tác phẩm mới qua sự sáng tạo của mình và các cộng sự sẽ không làm khán giả thất vọng.
Vở diễn ballet chọn lọc thể hiện Truyện Kiều qua hình ảnh 3 lần Kiều gặp Đạm Tiên và 4 lần Kiều đánh đàn. Với chiều dài gồm 3 hồi, 15 cảnh, ê-kíp muốn qua đó làm nổi bật giá trị đạo làm người mà đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi gắm.
Ê kíp trăn trở việc kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật ballet cổ điển phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa, bản sắc Việt Nam trong tác phẩm này. Bên cạnh đó, vở diễn cũng kết hợp thêm ca trù, hát xẩm và nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác để tạo sự hài hòa về mặt nghệ thuật.
“Bài toán chúng tôi đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể hội nhập tốt 2 nền văn hóa Đông – Tây qua vở diễn mà vẫn đảm bảo sự mượt mà, không khiên cưỡng. Muốn như thế, các diễn viên trước hết phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt và mang những thứ ấy truyền tải đến khán giả”, Tuyết Minh chia sẻ.
Với đòi hỏi cao về chuyên môn, ballet Kiều cần một dàn diễn viên có trình độ kỹ thuật, sự xuất thần trong diễn xuất ngôn ngữ cơ thể, để qua đó có thể toát lên được những nét điển hình nhân vật. Theo thông tin từ nhà tổ chức, vai Thúy Kiều do nghệ sĩ Trần Hoàng Yến, Kim Trọng do nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận, Từ Hải do nghệ sĩ Hồ Phi Điệp lần lượt đảm nhiệm. Trong đó, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng sẽ thể hiện hai vai khác biệt là người kể chuyện - Nguyễn Du và Tú Bà... Đây đều là những nghệ sĩ có chuyên môn nghề vững vàng.
Đầu tư tâm huyết với cả ê-kíp giỏi nghề, bài toán kinh tế được giải quyết như thế nào? Trước câu hỏi này, NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM cho biết vở diễn hiện được đầu tư ở mức hơn một tỷ đồng. Cũng theo ông, chương trình sẽ không phát vé mời mà cố gắng bán vé để khán giả ý thức bỏ tiền đến xem, đồng thời tìm hướng đi cho những vở diễn nghệ thuật lớn trong tương lai. Vở múa sẽ chính thức công diễn tại TPHCM trong tháng 6 và tại Hà Nội vào tháng 8.