Hơn 10 triệu lượt dùng tài khoản VneID để đăng nhập VssID
Tính đến nay, đã có hơn 10,5 triệu lượt sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VneID) để đăng nhập ứng dụng VssID.
Việc triển khai tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng Bảo hiểm số - VssID đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.
Được triển khai từ tháng 10/2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã kết nối kỹ thuật, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an cấp để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số của ngành. Đến nay đã có hơn 10 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID. Trung bình mỗi tháng khoảng 1,3 triệu lượt. Hiện cơ quan BHXH đã sẵn sàng triển khai sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024, theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử. Trên cơ sở đó, hiện người dân có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, bảo hiểm y tế như: Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế; Giải quyết hưởng BHXH một lần; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các dịch vụ công khác là 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Thông qua các dịch vụ công trực tuyến này, tính đến ngày 30/4/2024, toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,4 triệu hồ sơ giao dịch. Bên cạnh đó, hiện người dân đã có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip, với trên 82,5 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh.
Việc triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân đã giúp người bệnh và nhân viên y tế đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục khám chữa bệnh; giảm bớt chi phí in ấn thẻ, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.
Liên quan đến triển khai Sổ sức khỏe điện tử, ngày 3/1/2024, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện theo phương án kỹ thuật thử nghiệm với Bệnh viện Xanh-Pôn, Bệnh viện Đức Giang và một số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác do Sở Y tế Hà Nội quản lý như Đống Đa, Thanh Nhàn, Đông Anh, Sóc Sơn, Hòe Nhai, Mê Linh, Hà Đông… (nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận dữ liệu để đáp ứng việc tiếp nhận bổ sung thêm 5 trường thông tin bao gồm: nhóm máu; chiều cao; lý do đến khám; tóm tắt phương pháp điều trị, hướng điều trị tiếp theo; ghi chú).
BHXH Việt Nam đã điều chỉnh phần mềm để tiếp nhận dữ liệu từ các cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH.
Tính đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 386 cơ sở y tế với trên 2,69 triệu hồ sơ được được gửi lên hệ thống của BHXH Việt Nam. Đạt được kết quả như trên là nhờ sự phối hợp và vào cuộc rất tích cực của các bên liên quan.
Theo BHXH Việt Nam, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, giúp giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm y tế…