Hơn 100 công ty tẩy chay, ngừng quảng cáo có đủ sức làm Facebook thay đổi?
Hơn 100 công ty tạm ngừng quảng cáo trên Facebook vì dung dưỡng cho ngôn ngữ thù địch, bạo lực và phân biệt chủng tộc liệu có làm mạng xã hội này thay đổi?
Im lặng trước phát ngôn thù ghét
Ngày 28/5, sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu chết sau khi bị cảnh sát ghì cổ bắt giữ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng bài viết lên Twitter với nội dung được xem là kích động bạo lực. Bài viết sau đó bị Twitter gắn nhãn cảnh báo vì vi phạm chính sách của mạng xã hội này.
Đáp lại, Tổng thống Trump ra sắc lệnh giảm bớt quyền được bảo vệ trước pháp luật của các công ty mạng xã hội.
Facebook không có hành động cụ thể nào. Trả lời trên kênh truyền hình Fox News, CEO Mark Zuckerberg cho biết họ sẽ không can thiệp vào các phát ngôn xuất hiện trên nền tảng của mình.
“Tôi tin rằng mạng xã hội Facebook không nên đứng ở vị trí kiểm duyệt và có trách nhiệm can thiệp những bài đăng trên mạng”, Zuckerberg nói.
Hành động của lãnh đạo Facebook nhanh chóng vấp phải chỉ trích từ chính nhân viên công ty. Theo New York Times, ngày 1/6, nhiều nhân viên Facebook đình công và gửi email phản đối cách Facebook im lặng trước những phát ngôn kích động bạo lực của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Facebook im lặng trước các nội dung kích động thù ghét.
Năm 2018, Facebook bị cáo buộc là công cụ lan truyền nội dung kích động dẫn đến cuộc bạo động tại thành phố Kandy, Sri Lanka. Freedom House, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington cho rằng ngôn từ kích động thù ghét chống lại các nhóm thiểu số vẫn tiếp tục phát triển trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, đặc biệt là Facebook.
Đáp lại những làn sóng chỉ trích, Facebook đưa ra những lời hứa hẹn về việc tăng cường bộ máy cũng như công cụ kiểm duyệt. Song khi những sự việc gây tranh cãi tiếp tục nổ ra, mạng xã hội lớn nhất thế giới lại bị “gọi tên” như chưa hề có thay đổi nào đáng kể.
Tẩy chay rồi lại thôi?
Làn sóng phản đối mới nhất dành cho Facebook có phần nghiêm trọng hơn khi nó đến từ các doanh nghiệp mang lại lợi nhuận trực tiếp cho mạng xã hội này. Các tổ chức dân quyền như Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) và Liên đoàn chống phỉ báng (ADL) đã thực hiện một chiến dịch tẩy chay có tên #StopHateForProfit (Ngừng lấy thù ghét làm lợi nhuận).
Chiến dịch kêu gọi các doanh nghiệp dừng quảng cáo trên Facebook. Đến nay, chiến dịch đã có sự tham gia của nhiều công ty nổi tiếng như The North Face, Upwork, Unilever. Hơn 100 công ty đã tham gia vào phong trào tẩy chay.
Điều này khiến cổ phiếu Facebook giảm 8,3%, kéo theo việc tài sản của CEO Mark Zuckerberg thiệt hại khoảng 7,2 tỷ USD. Ngày 19/6, Facebook đã phải tuyên bố tập trung vào nhiệm vụ loại bỏ các phát ngôn kích động thù ghét trên nền tảng mạng xã hội. Facebook đã tổ chức một cuộc gọi trực tuyến để đàm phán với các đối tác, gửi email đến khách hàng với hi vọng ngăn chặn làn sóng tẩy chay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận chiến dịch tẩy chay sẽ khiến Facebook thực sự phải thay đổi.
Dù 98,5% doanh thu của Facebook đến từ các hoạt động quảng cáo, nhưng trong 10 năm trở lại đây, mặc dù liên tục hứng chịu chỉ trích về các chính sách khác nhau, doanh thu của Facebook chưa từng giảm.
Ngày 26/6, Mark Zuckerberg đã phát biểu công khai với lời hứa sẽ cấm những quảng cáo mang tính thù ghét và sẽ gắn cảnh báo bài viết gây tranh cãi của các chính trị gia. Nhưng trong bài phát biểu, Zuckerber không nhắc gì đến làn sóng tẩy chay.
CEO Facebook “cam kết bảo đảm Facebook vẫn là nơi mà mọi người có thể sử dụng tiếng nói của mình để thảo luận các vấn đề quan trọng”, đồng thời chống lại sự thù ghét và kích động bạo lực, kiểm soát bầu cử, “bất kể chúng đến từ đâu”. Zuckerberg cũng lặp lại những tuyên bố “nỗ lực hơn nữa” để bảo vệ người nhập cư, di cư, tỵ nạn hay người xin tỵ nạn khỏi các quảng cáo với nội dung thù ghét.
Rashad Robinson, Chủ tịch nhóm Color of Change, gọi màn livestream của Zuckerberg là “11 phút lãng phí cơ hội”.
Mark Zuckerberg hành động
Theo các chuyên gia, Facebook có thể dễ bị tổn thương nhưng CEO Mark Zuckerberg thì không. Khác với các công ty lãnh đạo có thể bị hội đồng cổ đông sa thải, CEO Facebook lại là ngoại lệ.
Carolyn Everson, Phó chủ tịch mảng kinh doanh toàn cầu của Facebook, từng viết trong một email gửi khách hàng: "Chúng tôi không thực hiện thay đổi chính sách vì áp lực về doanh thu. Chúng tôi thiết lập chính sách dựa trên các nguyên tắc chứ không phải lợi ích kinh doanh".
Trong số các công ty đã tham gia tẩy chay, chỉ có Unilever, Verizon và REI có mặt trong top 100 nhà quảng cáo hàng đầu trên Facebook. Năm 2019, Unilever xếp thứ 30, chi khoảng 42,4 triệu USD cho quảng cáo trên Facebook. Trong khi đó, Verizon và REI lần lượt giữ vị trí thứ 88 và 90, mỗi công ty đã chi khoảng 23 triệu USD.
100 thương hiệu quảng cáo nhiều nhất trên Facebook năm 2019 chi tổng cộng 4,2 tỷ USD, chỉ tương đương 6% tổng doanh thu quảng cáo của nền tảng này.
Phần lớn số còn lại đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo chuyên gia, phải có hàng chục nghìn doanh nghiệp như vậy tẩy chay Facebook thì mới có thể gây áp lực.
Bên cạnh đó, tác động từ đại dịch COVID-19 sẽ khiến các nhà phân tích khó xác định được việc suy giảm doanh thu của Facebook, nếu có, thực sự đến từ đầu. Chuyên gia cho rằng cho đến khi Zuckerberg chính thức muốn đưa ra giới hạn cho các phát ngôn tự do trên trên nền tảng này, Facebook có thể sẽ mất đi hàng loạt khách hàng nhưng vẫn còn lại những khách hàng không phản đối chính sách của họ hoặc không thể “sống” thiếu họ.