Hơn 100 hoạt động văn hóa, sáng tạo tại 'giao lộ di sản'
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra tại những tuyến phố, nơi có những kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội như: Bảo tàng Lịch sử, Nhà hát Lớn, Cung Thiếu nhi, Nhà khách Chính phủ, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)… với hơn 100 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tọa đàm.
Chiều 30/10, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Tạp chí Kiến trúc tổ chức công bố các hoạt động của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo được tổ chức hằng năm là hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Hà Nội trong xây dựng Thành phố Sáng tạo với UNESCO, đồng thời, nhằm thúc đẩy tiềm năng sáng tạo, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong cộng đồng. Đây là lần thứ tư Lễ hội được tổ chức.
Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội được tổ chức tại các tuyến phố: Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông giao cắt với tuyến Bác Cổ-Tràng Tiền. Các tuyến phố này được mệnh danh là “giao lộ di sản” với nhiều công trình di sản kiến trúc như: Bảo tàng Lịch sử, Nhà hát Lớn, Cung Thiếu nhi, Nhà khách Chính phủ, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhiều công viên, vườn hoa: Vườn hoa Tao Đàn, vườn hoa Diên Hồng, vườn hoa Cổ Tân…
Không gian này sẽ là nơi diễn ra hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,...
Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Các hoạt động sáng tạo được tổ chức sẽ là những cuộc “đối thoại” giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước…
Cùng với đó, tinh thần sáng tạo cũng được lan tỏa tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô.
Ban tổ chức Lễ hội cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình.
Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng (Pavilion) “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản. Qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển.
Đối với nhóm hoạt động trưng bày, triển lãm, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội với chủ đề “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”; Nơi tập trung nhiều hoạt động chính và là nơi ươm mầm, lan tỏa tinh thần sáng tạo của tuổi thơ, thông qua “giao lộ” kết nối sức sáng tạo của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Tại đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, hội thảo, hành trình trải nghiệm, tọa đàm.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) là nơi trưng bày Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác: “Cảm thức Đông Dương”, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại.
Tại đây có tới hơn 20 tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo, trưng bày hài hòa với di sản. Ngoài ra còn hàng loạt hoạt động tại phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ và trục Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông…
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có hơn 20 hội thảo, tọa đàm: Thiết kế, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, thời trang, công nghệ, xuất bản và các lĩnh vực khác cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 là nơi gặp gỡ của gần 500 nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ đương đại, nghệ sĩ biểu diễn, chuyên gia, những nhà nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật… Đây là hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng Thành phố Sáng tạo như cam kết với UNESCO.