Nền tảng sức mạnh nội sinh của Quảng Ninh
Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc và cốt cách riêng có. Theo thời gian, những giá trị đó đã trở thành tài sản, là nền tảng sức mạnh của tỉnh trên hành trình phát triển.
Tự hào với những giá trị khác biệt
Quảng Ninh có địa hình đa dạng, đủ cả biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh tự hào vì những giá trị khác biệt, nổi trội mà khó nơi nào có được. Nơi đây có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất, đa dạng của nền văn minh sông Hồng, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Cách đây 78 năm, ngày 24/11/1946, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Tiếp nối tư tưởng của Người, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh hết sức coi trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, coi đó là nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển của tỉnh. Nguồn lực nội sinh đó là “thiên tạo” với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là “nhân tạo” với di sản tinh thần, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”.
Hệ giá trị của Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo,“hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển của tỉnh.
Còn nhớ, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ xa xưa, Quảng Ninh đã nổi tiếng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây có vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc, với di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn Thiền phái Trúc Lâm. Những giá trị văn hóa ngàn năm ấy đã và đang được Quảng Ninh bảo tồn, phát triển, trở thành thế mạnh của vùng đất mỏ anh hùng.
Nơi đây còn kết tinh văn hóa của 23 dân tộc anh em, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Dù khác nhau về văn hóa, nhưng tất cả đều gắn bó máu thịt với vùng đất này.
Quảng Ninh còn là vùng đất có một không hai với địa mạo, địa chất, những di sản văn hóa, lịch sử, tâm linh, với trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, hơn 2.800 hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể. Đó là tổng hòa các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hòa, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt để tạo nên bản sắc vùng mỏ.
Với 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền là những di sản quý báu, gồm văn học dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống...
Trong các quyết sách phát triển, Quảng Ninh đặt mục tiêu biến di sản thành tài sản, chuyển hóa thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú riêng có thành nguồn lực.
Phát huy giá trị văn hóa trong thời kỳ mới
Phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh luôn gắn liền với phát triển con người và văn hóa. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Nghị quyết 17-NQ/TU được xây dựng trên sự kế thừa Nghị quyết 11-NQ/TU. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhằm khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.
Theo đó, Quảng Ninh sẽ phát triển con người toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước. Với các đặc trưng “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hòa các giá trị đặc trưng của tỉnh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong việc xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc.
Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh tới xã được đầu tư đồng bộ, tạo cơ sở vật chất thuận lợi để rút ngắn khoảng cách về tham gia và thụ hưởng văn hóa của người dân. Một số địa phương đã hình thành nên những “bảo tàng sống” về văn hóa truyền thống ở các thôn, bản. Tại nhiều bản làng, văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số được bảo tồn kết hợp với việc phát triển du lịch cộng đồng như làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP. Móng Cái); làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; làng người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên... Những nơi này không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa của dân địa phương, mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Các địa danh nổi tiếng như di sản vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông, cùng nhiều di tích danh thắng khác luôn được tỉnh trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Rồi Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tiếp tục được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản địa chất quốc tế, một lần nữa khẳng định giá trị của kỳ quan này.
Mới đây, Quảng Ninh cùng với Hải Dương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản thế giới. Phát huy giá trị di sản này sẽ tiếp tục góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để nâng tầm của tỉnh.
Việc bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa của Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đã được số hóa. Vào cuối tháng 8/2024, tham quan thực tế ảo VR360 - Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử được đưa vào sử dụng. Việc ứng dụng chuyển đổi số bằng các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) đã giúp công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa địa phương đạt hiệu quả cao trong bối cảnh hội nhập.
Thành ủy Hạ Long đã cụ thể hóa Nghị quyết 17-NQ/TU bằng việc phê duyệt và triển khai Đề án Hạ Long - thành phố của hoa và Đề án Hạ Long - thành phố lễ hội, trong đó Đề án Hạ Long - thành phố lễ hội được xây dựng với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế; đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển toàn diện, văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp. Với hàm nghĩa không chỉ “giàu” về kinh tế, mà còn phải “đẹp” về văn hóa, đẹp ở lòng người, đẹp ở cảnh quan thiên nhiên.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nen-tang-suc-manh-noi-sinh-cua-quang-ninh-d228661.html