Hơn 100 người Palestine ở Gaza chết đói
Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính đang ở mức báo động ở Gaza, trong khi tình trạng thiếu lương thực thảm khốc kéo dài đang khiến người dân tại đây chết dần chết mòn.
Trong một thông báo ngày 22/7, Cơ quan y tế Gaza cho biết, ít nhất 15 người Palestine, bao gồm 4 trẻ em, đã chết đói chỉ trong một ngày, nâng tổng số người tử vong vì suy kiệt tại dải đất bị bao vây lên 101 trường hợp, trong đó có 80 trẻ em.
Hầu hết các ca tử vong do suy kiệt đều xảy ra trong vài tuần gần đây.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Quân đội Israel (IDF) tiếp tục tấn công Gaza, khiến ít nhất 81 người thiệt mạng. Liên Hợp Quốc (LHQ) mô tả tình hình tại Gaza là một cảnh tượng kinh hoàng với mức độ chết chóc và tàn phá chưa từng có.
Theo các bác sĩ, trong số những trẻ em tử vong hôm 22/7 có Yousef al-Safadi 6 tuần tuổi và Abdulhamid al-Ghalban 13 tuổi.
Adham al-Safadi- người thân của Yousef, nói rằng, mẹ của đứa trẻ sơ sinh đã không có sữa để cho con bú do sống trong tình trạng đói khát, trong khi gia đình cũng không thể tìm thấy nguồn sữa phù hợp cho cháu bé và nếu có, nó có giá tới 100 đô la/lon (khoảng 2,6 triệu đồng).
Ngày 16/7, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russell cho biết, trải qua 21 tháng chiến tranh, hơn 17.000 trẻ em ở Gaza được báo cáo đã thiệt mạng và 33.000 trẻ em khác bị thương. Trung bình mỗi ngày có 28 trẻ em bị giết- con số tương đương với một lớp học.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 16/7 về tình trạng khẩn cấp đối với trẻ em ở Gaza. Nguồn: UNICEF.
Số trẻ em may mắn sống sót, một tỷ lệ lớn bị tàn tật và suy dinh dưỡng.
Trong số hơn 113.000 trẻ em Gaza được sàng lọc suy dinh dưỡng vào tháng 6, gần 6.000 trẻ được phát hiện bị suy dinh dưỡng cấp tính. Số ca suy dinh dưỡng cấp tính tăng đột biến 180% so với tháng 2.
Trong thông báo hôm 22/7, UNICEF cảnh báo, nạn đói đang lan rộng khắp Gaza và người dân đang chết dần chết mòn. “Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đang ở mức thảm khốc. Thực phẩm khan hiếm một cách nguy hiểm, và nước sạch đang trong tình thế cấp bách. Viện trợ bị hạn chế nghiêm trọng và việc tiếp cận trở nên nguy hiểm. Đây thực sự là một thảm họa nhân tạo.”, cảnh báo của UNICEF nói.
Cuộc khủng hoảng nạn đói xảy ra trong bối cảnh Israel đã phong tỏa triệt để nguồn thực phẩm thiết yếu vào Dải Gaza kể từ tháng 3, nơi có hơn 2 triệu người Palestine đang ngắc ngoải.
Trước áp lực quốc tế, từ tháng 5, Israel đã cho phép một lượng nhỏ hàng viện trợ vào Gaza, chủ yếu thông qua Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ hậu thuẫn, gây nhiều tranh cãi.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em đang báo động ở Gaza. Ảnh: EyeonPalestine.
Theo LHQ, hơn 1.000 người Palestine đã bị giết khi đang tìm kiếm nguồn thực phẩm viện trợ để sinh tồn, kể từ khi GHF bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 5.
Theo các nhân viên y tế ở Gaza, trong số 81 người Palestine thiệt mạng hôm 22/7 có ít nhất 31 người đang tìm kiếm nguồn thực phẩm viện trợ.
Phát biểu trong một cuộc họp mới đây của Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh “cảnh tượng kinh hoàng” đối với 2,3 triệu người Palestine ở Gaza, nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng đang gia tăng, nạn đói đang gõ cửa từng nhà.
Các bác sĩ ở Gaza cho biết, họ đang chứng kiến ngày càng nhiều người suy dinh dưỡng đến bệnh viện, tuy nhiên họ không thể giúp đỡ những người này, bởi các bệnh viện đã kiệt quệ không còn nguồn lực, hơn nữa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân thương vong.
Người phát ngôn của Bệnh viện Al-Aqsa ở trung tâm Gaza, Khalil al-Daqran, cho biết, khoảng 600.000 người đang bị suy dinh dưỡng, bao gồm ít nhất 60.000 phụ nữ mang thai với các triệu chứng chung bao gồm mất nước và thiếu máu.
Người đứng đầu Cơ quan LHQ hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), Philippe Lazzarini, cho biết, thậm chí, các nhân viên y tế, nhân viên nhân đạo,.. ở Gaza cũng đang kiệt sức, điều khiến nhiều người ngất xỉu khi đang làm việc.

Trẻ em là nạn nhân chính trong cuộc xung đột ở Gaza. Nguồn: PressTV.
Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC), một trong những tổ chức cứu trợ độc lập phi chính phủ lớn nhất hoạt động ở Gaza, cũng cho biết, nhân viên của họ tại đây cũng đang kiệt sức vì đói.
“Những chiếc lều cuối cùng, những gói thực phẩm cuối cùng từ nguồn hàng cứu trợ của chúng tôi đã được phân phát hết. Hiện không còn gì cả.”, Jan Egeland- Tổng thư ký NRC nói, cho biết, trong khi hàng trăm xe tải hàng nhân đạo nằm chờ tại các nhà kho ở Ai Cập, do bị chặn vào Gaza.
Phía Israel phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường và phủ nhận trách nhiệm về tình trạng thiếu lương thực ở Gaza.
GHF cũng bác bỏ những gì họ cho là “thống kê sai lệch và phóng đại” từ LHQ về các vụ chết người tại các địa điểm phân phát hàng viện trợ của tổ chức này.
Các nhóm nhân đạo cũng cho biết, các hoạt động quân sự của Israel ở Deir el-Balah, trung tâm Gaza, nơi là trung tâm chính cho các nỗ lực cứu trợ, đã làm suy yếu khả năng hoạt động của họ tại dải đất.
Ngày 21/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sốc khi các cơ sở của WHO, cũng như của các cơ quan LHQ khác, vốn là nơi bất khả xâm phạm và được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế, bị tấn công.
Tình cảnh của trẻ em Palestine ở Dải Gaza. Clip: Nazanin.
Theo người đứng đầu WHO, trong ngày, khu nhà ở nhân viên và kho hàng chính của WHO ở Deir el-Balah đã bị IDF tấn công 3 lần.
Lực lượng Israel đã tiến vào cơ sở, buộc phụ nữ và trẻ em phải sơ tán bằng đường bộ về phía Al-Mawasi, trong khi các nhân viên nam và người nhà của họ bị còng tay, lột quần áo.
Hai nhân viên WHO và 2 người thân của họ đã bị bắt giữ. Ba người sau đó đã được thả, trong khi một nhân viên vẫn bị giam giữ.
Nhà kho chính của WHO ở Deir al Balah nằm trong khu vực sơ tán và đã bị hư hại sau một cuộc tấn công hôm 20/7 gây ra các vụ cháy nổ bên trong.
Việc kho hàng chính không hoạt động trong điều kiện nguồn vật tư y tế cơ bản đã cạn kiệt, khiến WHO đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ đầy đủ cho các cơ sở y tế ở Gaza.
“WHO khẩn thiết kêu gọi các quốc gia thành viên giúp đảm bảo nguồn cung cấp vật tư y tế đầy đủ và liên tục vào Gaza. Là cơ quan đầu mối về y tế, việc WHO gián đoạn hoạt động đang làm tê liệt toàn bộ hoạt động ứng phó y tế ở Gaza. Một lệnh ngừng bắn không chỉ cần thiết, mà còn đã đến lúc phải thực hiện.”, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi.