Iran cảnh báo phản ứng 'không kiềm chế' nếu châu Âu kích hoạt cơ chế trừng phạt
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Kazem Gharibabadi tuyên bố Tehran có thể rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu các nước châu Âu kích hoạt cơ chế 'snapback' để tái áp đặt trừng phạt.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi, khi đó là đại sứ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tham dự cuộc họp của hội đồng quản trị IAEA tại Vienna, Áo vào ngày 21/11/2019. Ảnh: Newsweek.
Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran tuyên bố nước này có thể xem xét khả năng rút khỏi một hiệp ước quan trọng về không phổ biến vũ khí hạt nhân nếu các cường quốc châu Âu kích hoạt cơ chế "snapback", tức tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Kazem Gharibabadi, đồng thời là Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách pháp lý và các vấn đề quốc tế, đã đưa ra phát biểu trên hôm 23/7 trong một cuộc họp báo với các nhà báo tại New York, trước thềm cuộc gặp với đại diện của Pháp, Đức và Vương quốc Anh dự kiến diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, ba nước châu Âu vẫn là thành viên của thỏa thuận này, cùng với Iran. Bộ ba này cảnh báo sẽ kích hoạt cơ chế trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận mới với Tehran trước cuối tháng tới.
Khi được hỏi về phản ứng của Iran nếu điều đó xảy ra, ông Gharibabadi nhắc lại quyết định trước đây của cựu Tổng thống Hassan Rouhani – người đã lãnh đạo Iran khi JCPOA được ký kết và cả khi Mỹ đơn phương rút khỏi – rằng Iran có thể rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
“Đã có một thông điệp của Tổng thống Rouhani gửi đến các đối tác, rằng nếu cơ chế snapback được kích hoạt, Iran sẽ rút khỏi NPT”, ông Gharibabadi nói.
“Không còn kiềm chế”
Nhà ngoại giao cấp cao này nhấn mạnh rằng Tehran cho đến nay vẫn tuân thủ đầy đủ NPT, bất chấp “áp lực nội bộ rất lớn” yêu cầu rút khỏi hiệp ước, đặc biệt sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Israel, trong đó Mỹ cũng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran ngay giữa lúc đàm phán đang diễn ra.
“Sau hành động gây hấn đó, người dân, nghị sĩ, nhà báo, chính trị gia đều cho rằng đã đến lúc rút khỏi NPT, vì hành động đó còn tồi tệ hơn cả cơ chế snapback”, ông nói. “Nhưng Iran vẫn quyết định ở lại NPT”.
“Tuy nhiên, tôi khá chắc chắn rằng nếu cơ chế snapback được kích hoạt, Iran sẽ không còn kiềm chế như hiện tại”, ông nói thêm.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của cuộc họp sắp tới với Pháp, Đức và Anh, ông Gharibabadi mô tả đây là “một cuộc gặp rất quan trọng”.
Đồng thời, ông kêu gọi các nước châu Âu “nên có chính sách độc lập” và “không nên phối hợp lập trường của mình với người Mỹ”, cảnh báo rằng nếu các nước này vượt qua ranh giới từ việc thi hành lệnh trừng phạt của Mỹ sang tự kích hoạt trừng phạt theo cơ chế snapback của JCPOA, thì điều đó sẽ “phản tác dụng”.
Hiểm họa với cơ chế không phổ biến
Kể từ khi NPT có hiệu lực vào năm 1970, chỉ có một quốc gia rút khỏi – Triều Tiên, vào năm 2003, với lý do lo ngại Mỹ sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng sau đó thử hạt nhân lần đầu vào năm 2006.
Trong số 9 cường quốc hạt nhân hiện nay, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ là các quốc gia ký NPT, trong khi Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan thì không. Iran vẫn luôn phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân – một lập trường mà Gharibabadi tái khẳng định hôm thứ Tư, bất chấp nghi ngờ từ Israel và Mỹ.
Israel đã cáo buộc Iran âm thầm tích trữ đủ vật liệu hạt nhân để sản xuất 15 quả bom, và tiến hành chiến dịch tấn công phủ đầu chưa từng có hồi tháng trước nhằm vào các cơ sở và nhân sự liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Hai bên đã trao đổi hàng trăm đòn tấn công, trong đó có cả các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở làm giàu uranium tại Fordow, Isfahan và Natanz. Sau đó, Iran phóng tên lửa vào một căn cứ Mỹ tại Qatar. Cuộc đối đầu chỉ dừng lại khi ông Trump tuyên bố lệnh ngừng bắn vào ngày 24/6.
Hiện tại, các nghị sĩ Iran đã đề xuất một dự luật yêu cầu rút khỏi cả NPT và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Điều kiện để đàm phán với Mỹ
Dù chuẩn bị gặp các nhà ngoại giao châu Âu, ông Gharibabadi cho biết chính quyền Trump vẫn liên tục đề nghị nối lại đàm phán – vòng đàm phán thứ sáu vốn đã được lên lịch chỉ hai ngày trước khi Israel bất ngờ tấn công, châm ngòi cho cuộc chiến 12 ngày.
Iran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán, ông nói, nhưng chỉ khi Mỹ tôn trọng “hai đến ba nguyên tắc”: “Tin vào giải pháp cùng có lợi (win-win), đến bàn đàm phán với thiện chí, và không lợi dụng nền tảng đàm phán để che giấu hành vi quân sự khác”.
“Nếu họ đồng ý với các nguyên tắc đó, thì có thể gặp ngay từ ngày mai”, ông Gharibabadi nói.