Hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh đã đạt được đồng thuận chung của các quốc gia về cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Hơn 100 quốc gia đã cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng mất rừng và xói mòn đất vào cuối năm 2030, mục tiêu được hỗ trợ bởi khoảng 20 tỉ đô la từ các quỹ công và tư để đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng.
Tuyên bố chung đưa ra cuối ngày 1/11 tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo của các quốc gia, bao gồm Brazil, Nga, Indonesia và Congo, vốn chiếm 85% diện tích rừng toàn cầu.
“Chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là ‘kẻ chinh phục thiên nhiên’, thay vào đó trở thành người bảo vệ nó.”, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu, gọi đây là một thỏa thuận chưa từng có.
Một loạt các sáng kiến bổ sung của các chính phủ cũng như khu vực tư nhân đã được đưa ra vào ngày 2/11 để hỗ trợ đạt được mục tiêu đó, bao gồm hàng tỉ đô la cam kết đầu tư cho những người bảo vệ rừng bản địa và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải carbon dioxide. Các khu rừng lấy khí thải ra khỏi bầu khí quyển và góp phần ngăn chúng làm khí hậu nóng lên.
Tuy nhiên, diện tích rừng đang suy giảm nhanh chóng. Thế giới đã mất 258.000km2 rừng vào năm 2020, theo WRI, một khu vực rộng tương đương nước Anh.
Thỏa thuận hôm 1/11 mở rộng đáng kể cam kết tương tự của 40 quốc gia trong tuyên bố New York về rừng năm 2014, hơn thế còn cơ cấu các nguồn lực tài chính để đạt được mục tiêu đó.
Theo thỏa thuận, 12 quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, đã cam kết cung cấp 12 tỉ USD, từ 2021 – 2025, để giúp các nước đang phát triển, bao gồm cả nỗ lực phục hồi đất đai bị suy thoái và phòng chống cháy rừng.
Khoảng 7,2 tỉ USD khác sẽ được cung cấp bởi hơn 30 nhà đầu tư khu vực tư nhân, bao gồm Aviva, Schroders và AXA.
Các nhà đầu tư, đại diện cho 8,7 nghìn tỉ đô la tài sản cũng cam kết sẽ ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.
Năm quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, và một nhóm các tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu cũng cam kết cung cấp 1,7 tỉ đô la để hỗ trợ người dân bản địa, vốn được đánh giá là lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả nhất, bảo tồn rừng và tăng cường quản lý đất đai.
COP26 nhằm duy trì mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.