Hơn 130 mật vụ Mỹ phải cách ly, Hong Kong cho trẻ mẫu giáo nghỉ học
Theo Washington Post, các nhân viên mật vụ bị cách ly đều đã lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus này.
Theo trang worldometers.info, tính đến 6 giờ ngày 14/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 53.699.498 người nhiễm COVID-19, trong đó 1.308.295 ca tử vong, 37.469.090 ca đã hồi phục.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, tiếp theo đó là Ấn Độ, Brazil, Pháp và Nga.
Bộ trưởng Y tế Nga thừa nhận tình hình đại dịch COVID-19 trong nước rất căng thẳng
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh “Rossya 1” tối 13/11, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng. Hiện 75% bệnh nhân nhiễm virus corora phải điều trị ngoại trú, 25% nhập viện và điều trị trong bệnh viện.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn." Theo ông Murasko, trung bình có từ 18-19% giường bệnh điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona còn trống. Tuy nhiên ở hơn 30 chủ thể, 90% số giường bệnh chuyên biệt này đã lấp đầy.
Tư lệnh ngành y tế Nga cho biết tình trạng quá tải đang diễn ra tại khu vực Siberi và một số vùng ở Viễn Đông. Ông Murashko yêu cầu ngành dược cần theo dõi và đặt mua thuốc COVID-19 kịp thời.
Ông nói: “Các dược trình viên cần phải tuân thủ, đặt mua thuốc kịp thời và các nhà sản xuất phải theo dõi và bắt kịp nhu cầu."
Bộ trưởng nói rõ rằng một số loại thuốc điều trị virus corona đã được đưa vào danh sách thuốc quan trọng và nhà nước đảm bảo giảm giá chúng 4 lần. Hiện Nhà nước Nga đã cấp kinh phí cho điều trị ngoại trú.
Tính đến ngày 13/11, Liên bang Nga đã ghi nhận tổng cộng 1.880.551 người nhiễm virus corona tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát 32.443 bệnh nhân đã tử vong, 1.406 903 bệnh nhân hồi phục.
Hơn 130 sỹ quan mật vụ Mỹ phải cách ly
Dẫn thông tin ngày 13/11 của Washington Post cho biết hơn 130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly bởi những nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo Washington Post, các nhân viên mật vụ bị cách ly đều đã lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus này.
Đến nay, ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng các nhân viên mật vụ bảo vệ Tổng thống Donald Trump có thể mắc COVID-19, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Nhà Trắng đang tăng lên.
Trong một tuyên bố, cơ quan mật vụ Mỹ cho biết cơ quan này "thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch tranh cử Tổng thống đồng thời hoàn thành trách nhiệm bảo vệ theo luật định."
Cơ quan này khẳng định họ "đã duy trì các biện pháp bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc với những người đã được xác nhận và nghi bị phơi nhiễm, cũng như nhanh chóng cách ly các nhân viên xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.
Cũng theo cơ quan mật vụ Mỹ, chương trình này đảm bảo rằng mọi biện pháp phòng được thực hiện để "giữ an toàn và khỏe mạnh cho những người được bảo vệ, những nhân viên mật vụ, gia đình của họ cũng như công chúng."
Đặc khu hành chính Hong Kong cho trẻ mẫu giáo nghỉ học
Do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bùng phát mạnh tại hơn 200 trường học ở Đặc khu hành chính Hong Kong, chính quyền thành phố đã công bố quyết định cho học sinh tại các trường mẫu giáo và trung tâm giữ trẻ nghỉ học trong 2 tuần từ ngày 14-27/11, không loại trừ sau đó sẽ tiếp tục kéo dài nếu tình hình dịch bệnh không có chiều hướng giảm.
Tính từ ngày 31/10-13/11, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 2.281 người bị mắc COVID-19, tăng gấp 20 lần so với cùng khoảng thời gian này năm ngoái.
Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong, ông Hoàng Gia Khánh cho biết mấy ngày gần đây các ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp bùng phát ở các trường mẫu giáo, chủ yếu là Enterovirus và Rhinovirus.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, các cơ quan y tế không tìm thấy virus cúm mùa, nhưng mọi người vẫn nên đi tiêm phòng cúm mùa do mùa cúm ở Hong Kong đang đến gần.
Ông nhận định mặc dù ý thức phòng dịch của người dân đã tăng lên song dịch bệnh vẫn bùng phát, vì vậy người dân cần phải tăng cường bảo vệ sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ, tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 13/11, Hong Kong ghi nhận 5.436 người mắc COVID-19, trong đó có 108 ca tử vong.
Israel đặt mua 4 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Ngày 13/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận mua 4 triệu liều vắcxin tiềm năng ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Netanyahu cho biết, nếu vắcxin của Pfizer được cấp phép tại Israel và Mỹ, nước này sẽ tiến hành tiêm lô vắcxin đầu tiên cho người dân trong tháng 1/2021.
Vắcxin COVID-19 của Pfizer phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển sử dụng công nghệ dựa trên mRNA, một loại vật chất di truyền chưa từng được sử dụng để sản xuất vắcxin. Đây cũng là 1 trong 9 vắcxin tiềm năng đã bước vào các thử nghiệm trên người giai đoạn cuối, với hàng nghìn người tham gia.
Các kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắcxin này có hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng của COVID-19 lên tới 90% và không gây ra tác dụng phụ.
Các quốc gia phát triển trên thế giới đang gấp rút đặt mua hàng chục triệu liều vắcxin này.
Israel là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông. Tỷ lệ mắc COVID-19 trên tổng số dân nước này đã lên mức cao nhất thế giới vào tháng Chín vừa qua, buộc chính phủ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
Tính đến nay, Israel ghi nhận hơn 320.000 ca mắc COVID-19 trong tổng số 9 triệu dân, trong đó 2.707 người đã không qua khỏi.
Thụy Sĩ đánh giá sớm vắcxin của Moderna
Cùng ngày, cơ quan quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ cho biết nước này đang bắt đầu tiến trình rà soát sớm đối với loại vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Moderna để có thể nhanh chóng cấp phép lưu hành.
Swissmedic cũng đang trong tiến trình đánh giá tương tự đối với các loại vắcxin COVID-19 tiềm năng của các hãng dược phẩm khác như AstraZeneca, Pfizer và BioNTech.
Trước đó, trong tuần này, hãng Moderna của Mỹ thông báo đã có đủ dữ liệu để thực hiện đợt phân tích, đánh giá đầu tiên về hiệu quả của vắcxin COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của hãng. Thông tin này làm dấy lên hy vọng rằng các kết quả sơ bộ sẽ sớm được công bố.
Thụy Sĩ đã dành 437 triệu USD để mua vắcxin ngừa COVID-19 và dự trữ tổng cộng 16 triệu liều vắcxin của các hãng Moderna, AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Số ca mắc COVID-19 trên toàn Thụy Sĩ hiện là hơn 257.000 ca, trong đó có 3.280 ca tử vong.
Xét nghiệm chất thải - Công cụ tiềm năng giúp bảo vệ các trường học, bệnh viện trước sự tấn công của COVID-19
Từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, các chuyên gia tại một số thành phố hoặc quốc gia trên thế giới đã bắt đầu xét nghiệm chất thải, với hy vọng phát hiện sớm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt nước bọt bắn từ ra người bệnh, song cũng có thể qua chất thải của con người. Một số nhà nghiên cứu đang chuyển sang hướng tiến hành xét nghiệm chất thải trong hệ thống xả thải của các bệnh viện hoặc tòa nhà khác nhằm sớm phát hiện ổ dịch COVID-19, từ đó tiến hành biện pháp xét nghiệm và cách ly để ngăn dịch tiếp tục lây lan.
Tại Anh, nhóm các nhà nghiên cứu tham gia dự án do chính phủ tài trợ đã tiến hành thu thập mẫu chất thải tại 20 trường trung học ở thủ đô London. Nhóm dự kiến sẽ mở rộng lấy mẫu tại ít nhất 70 trường.
Tại tỉnh Alberta (Canada), nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Calgary đang lấy mẫu chất thải của ba bệnh viện địa phương, trong đó có một bệnh viện từng là ổ dịch COVID-19 khiến 12 người tử vong.
Trong khi đó, tại Mỹ, công ty dịch vụ chuyên nghiệp GHD đã lập cơ sở xét nghiệm chất thải tại một số ký túc xá của trường đại học và mới đây bắt đầu quảng cáo dịch vụ này cho các viện dưỡng lão.
Phương pháp xét nghiệm chất thải được đánh giá là rẻ hơn, có thể được tiến hành thường xuyên hơn và ít xâm lấn hơn so với lấy dịch mũi họng của hàng trăm người. Phương pháp này rất cần thiết ở các trường học, bệnh viện và nhà dưỡng lão trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh trở lại tại nhiều nước trên thế giới.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và chưa rõ phương pháp xét nghiệm này có đem lại hiệu quả hay không. Không phải chất thải của bệnh nhân COVID-19 nào cũng chứa virus SARS-CoV-2 và giới nghiên cứu vẫn bất đồng về thời điểm cơ thể bệnh nhân đào thải virus ra bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu phát hiện được virus nguy hiểm này tồn tại trong hệ thống xả thải của một tòa nhà, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng triển khai biện pháp dập dịch.
Chẳng hạn, tại Đại học Arizona, kết quả xét nghiệm mẫu chất thải lấy từ một ký túc xá cho kết quả dương tính ngày 25/8 vừa qua. Một ngày sau đó, trường đại học này đã bắt đầu xét nghiệm cho các sinh viên. Kết quả là hai sinh viên dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được nhanh chóng cách ly, ngăn chặn nguy cơ bùng phát ổ dịch mới./.