Hơn 16 triệu người Indonesia tham gia đầu tư tiền điện tử
Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai Indonesia (Bappebti) cho biết tỷ lệ người dùng Internet ở nước này sở hữu tài sản tiền điện tử là khá lớn, chiếm khoảng 16,4-18,4%.
Tuy nhiên, mức độ phổ biến và giá trị giao dịch của các tài sản kỹ thuật số đã giảm trong suốt năm 2022.
Phát biểu mới đây, quyền Giám đốc Bappebti, ông Didid Noordiatmoko khẳng định: "Đây là một tiềm năng để quản lý tài sản tiền điện tử tốt hơn trong tương lai", đồng thời cho hay tổng số người đăng ký đầu tư tài sản tiền điện tử ở Indonesia đã tăng từ mức 11,2 triệu vào năm 2021 lên 16,55 triệu vào năm 2022.
Trong khi đó, giá trị giao dịch lại sụt giảm mạnh từ mức 859.400 tỷ rupiah (55 tỷ USD) vào năm 2021 xuống còn 296.660 tỷ rupiah trong tháng 1-11/2022. Mức độ phổ biến của tài sản tiền điện tử cũng sụt giảm vào năm ngoái.
Dẫn số liệu từ Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista, ông Didid dự báo rằng thị trường tiền điện tử sẽ trải qua một "mùa Đông đặc biệt" trong năm 2023. Mặc dù mức độ phổ biến sụt giảm, ông Didid cho rằng tài sản tiền điện tử sẽ hồi sinh với tốc độ chậm.
Ông Didid cũng cho rằng chính phủ cần cải thiện hệ sinh thái giao dịch tài sản tiền điện tử trong nước vì đây có thể là một trong những chiến lược để kiếm lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp (Celios) theo đó tài sản tiền điện tử là một trong ba sản phẩm đầu tư chính tại Indonesia.
Trước đó, Celios cho biết, 21,1% số người tham gia khảo sát đã đầu tư vào tài sản tiền điện tử, 21,7% vào cổ phiếu và 29,8% vào quỹ tương trợ, với mức đầu tư trung bình từ 500.000 rupiah đến 1 triệu rupiah.
Ông Didid cho hay: "Giao dịch tài sản tiền điện tử có thể tăng tốc, tạo ra và khuyến khích các nỗ lực phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia vào năm 2030"./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hon-16-trieu-nguoi-indonesia-tham-gia-dau-tu-tien-dien-tu/276462.html