Hơn 19 nghìn héc-ta lúa ở Bắc Trung Bộ thiếu nước tưới
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (27-6), do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 35 đến 38oC, có nơi hơn 38oC; các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 39oC, có nơi hơn 40oC. Cảnh báo, nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài hai ngày tới.
Đến nay, khu vực Bắc Trung Bộ đã gieo cấy được khoảng 340 nghìn héc-ta lúa hè thu, đạt 72,6% kế hoạch. Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay khu vực này đang có 19.180 ha bị hạn hán, thiếu nước. Dự báo, đến cuối mùa khô sẽ có khoảng 52.180 ha sẽ bị hạn hán, thiếu nước. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, Tổng cục đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn; khoanh vùng diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 500 ha lúa bị hạn, thiếu nước, chủ yếu ở các huyện Đông Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống... Dự báo trong thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ có hơn 7,8 nghìn héc-ta lúa thiếu nước. Hiện nay, các đơn vị thủy nông đang thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn tại Nghệ An có 12.387 ha cây trồng đang bị hạn hán, thiếu nước, tập trung tại các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh... Tỉnh Bình Định cũng đang có khoảng 2.029 ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, tập trung tại các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn và Tuy Phước.
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, lũ tại các tỉnh phía bắc những ngày qua làm hai người chết, ba người mất tích, bốn nhà dân bị cuốn trôi; 29 nhà ở Lai Châu phải di dời khẩn cấp và 24 nhà ở Lào Cai bị ngập nước, 66 ha lúa và hoa màu bị phá hủy... Ước tính thiệt hại hơn 26,3 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn hơn 300 hộ dân sinh sống ven sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, riêng huyện Mường Tè có hơn 150 hộ. Tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức xây dựng phương án di dời các hộ dân này đến nơi an toàn. Những ngày qua, tại Điện Biên có mưa lớn, sét đánh khiến một người chết. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 20 ha lúa bị cuốn trôi tại các xã Xá Nhè, Mường Đun, Mường Báng của huyện Tủa Chùa; ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Từ cuối tháng 5 đến nay tại Hòa Bình, mưa lớn, dông lốc đã làm sập, tốc mái khoảng 20 nhà dân, ngập một số diện tích lúa, hoa màu, sạt lở đường giao thông, thiệt hại hơn hai tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại tỉnh Long An vẫn tiếp diễn, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn xảy ra 11 điểm sạt lở bờ sông. Tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở bám sát diễn biến thời tiết, triều cường, sạt lở đất để giúp nhân dân chủ động ứng phó. Tại tỉnh Bạc Liêu, sạt lở liên tục xảy ra dọc theo hai bên bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu, đoạn thuộc phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, làm 75 nhà dân bị ảnh hưởng. Bề rộng vết sạt lở và nứt sâu vào nhà dân từ 5 đến 7 m. Chiều dài đoạn sạt lở và nứt đất là 372 m.
Nguyên nhân là do dòng chảy sông tập trung vào bờ bên phải, nơi có nhiều hộ dân xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông…
Tại tỉnh Cao Bằng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 12 huyện, thành phố với số lợn mắc và tiêu hủy là 34.129 con. Tỉnh Cao Bằng đang tập trung phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường; kiểm tra, kiểm soát các phương tiện ra vào vùng dịch, tránh dịch lây lan ra diện rộng. Theo thống kê, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) DTLCP đã xảy ra với số lợn tiêu hủy 1.378 con. Hiện nay, huyện đã cấp phát 40 tấn vôi bột cho các xã, thị trấn để tiêu độc khử trùng môi trường; dự trữ 1.500 lít hóa chất và 18 tấn vôi bột để chống dịch.
Trên địa bàn TP Hải Phòng, DTLCP đã xảy ra tại 18.674 hộ thuộc 13 huyện, quận với số lợn tiêu hủy hơn 175.000 con. Hiện nay, thành phố có 21 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn bị dịch. Tại Hưng Yên, DTLCP cũng đã xảy ra ở 13,6 nghìn hộ thuộc 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố với số lợn tiêu hủy là 166,1 nghìn con. Đến nay, trên địa bàn có 20 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch. DTLCP đã xảy ra ở 1.507 hộ tại 334 xóm của 126 xã, thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An với số lợn tiêu hủy 5.851 con. Trong đó, Yên Thành là huyện có số xã xuất hiện DTLCP nhiều nhất với 25 xã.
Hiện nay, DTLCP cũng đã xuất hiện ở bảy huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Dương với số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 12.925 con. Tỉnh đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát bệnh lây lan ra diện rộng; phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở các ổ dịch và những nơi có nguy cơ phát sinh dịch. Còn tại Long An cũng vừa phát hiện thêm ổ DTLCP tại ba xã Thanh Phú, Phước Lợi và Lương Bình, huyện Bến Lức. UBND huyện Bến Lức đang chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch để dập dịch.
Trên địa bàn TP Cần Thơ vừa phát sinh thêm ổ DTLCP tại 21 hộ chăn nuôi thuộc 16 phường, xã của sáu quận, huyện. Đến nay, dịch đã xảy ra tại 307 hộ chăn nuôi ở chín quận, huyện với tổng số lợn tiêu hủy hơn 8.200 con. Thành phố đã lập 23 chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ; tiêu độc khử trùng môi trường... Tại Đồng Tháp, DTLCP xảy ra ở 69 xã của 11 địa phương với số lượng tiêu hủy khoảng 13.100 con. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã xuất 15.000 lít hóa chất cho các địa phương vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch.
Tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vừa xảy ra cháy rừng thông. Ngay sau khi xảy ra cháy, lực lượng chức năng đã triển khai phương tiện dập tắt đám cháy. Theo thống kê sơ bộ, vụ cháy làm thiệt hại gần 1 ha thông.
Đầu giờ chiều 26-6, tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) xảy ra cháy. UBND thị xã Sông Cầu đã chỉ đạo UBND xã Xuân Thịnh huy động hàng trăm người và phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, do nắng nóng, kết hợp gió to nên đám cháy lan nhanh. Sau bốn giờ tích cực dập lửa với sự tăng cường năm xe chữa cháy của lực lượng công an, đến 17 giờ chiều cùng ngày, đám cháy được dập tắt, diện tích rừng bị cháy khoảng 25 ha.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Điện Biên, từ ngày 24 đến 26-6, nhiều nơi trong tỉnh có mưa to, gió lớn và sét đánh rất mạnh. Tại xã biên giới Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), sét đánh chết một người dân. Tại các xã: Mường Đun, Mường Báng, Xá Nhè... (huyện Tủa Chùa), hàng chục héc-ta lúa đến kỳ thu hoạch bị lũ cuốn trôi. Nhiều ao nuôi cá cũng bị lũ quét đi qua, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các hộ nông dân.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực 1.500 m nên hôm nay (27-6), khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng khu vực Tây Bắc cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng.